Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Trong cơn khủng hoảng đại dịch Covid-19, liệu nghệ thuật có thể làm được gì?

 

Vào 29/1, gần khoảng 1 tuần sau khi Vũ Hán tuyên bố phong toả thành phố bởi sự lây lan chóng mặt của dịch bệnh Covid-19, một hoạ sĩ trẻ năng động tại Bắc Kinh, Triệu Triệu, đã quyên góp số tiền 200.000 Nhân dân tệ cho Quỹ chữ thập đỏ tỉnh Hồ Bắc. Số tiền thu được qua cuộc đấu giá trực tuyến trên Wechat vào ngày 28 tháng 1 từ bức tranh sơn dầu của mình với tên gọi, “Dơi đã đến”. Hành động của Triệu Triệu nhanh chóng tạo được sự chú ý trong giới nghệ thuật và gióng lên một quan điểm mà bấy lâu nay nhiều người hay tự hỏi, trong cơn khủng hoảng, liệu nghệ thuật có thể làm được gì?

Triệu Triệu là một nghệ sĩ trẻ năng động ở Trung Quốc thường bày tỏ thái độ sâu sắc về tình hình xã hội qua nghệ thuật. Kể từ giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh, anh đã hướng chú ý cao độ tình hình dịch bệnh thông qua mạng xã hội. Bức tranh sơn dầu, “Dơi đã đến”, nhanh chóng được ra đời trong thời gian này và được bán đầu giá trên Wechat để quyên góp.

Tuy nhiên, hành động tử tế của Triệu Triệu gây ra rất nhiều tranh cãi, vì nhiều người dân Trung Quốc bây giờ không còn niềm tin vào Hội chữ thập đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng anh nên tặng số tiền cho tổ chức quỹ phúc lợi công cộng khác uy tín hơn, hoặc trực tiếp hỗ trợ phòng chống đại dịch bằng cách dùng tiền để mua những vật liệu y tế thiết thực.

Image for post
Tranh sơn dầu “Dơi đã đến” của Triệu Triệu, 37x25cm 2020, ảnh của Artron

Đáp lại, Triệu Triệu trình bày quan điểm của mình:

“Khi một sự cố an sinh xã hội lớn xảy ra, bất kể bạn thuộc ngành nghề nào, mỗi cá nhân không nên từ bỏ các thuộc tính chuyên nghiệp và thuộc tính xã hội của mình. Bằng cách chịu trách nhiệm về sự hiện diện, chúng ta có thể tạo nên những điều kì diệu (*1).”

Nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch của hệ thống cứu trợ xã hội. Triệu Triệu muốn thể hiện quan điểm, hành động “quyên góp” là một cách thức giám sát hệ thống cứu trợ xã hội. Chỉ khi trở thành một nhà quyên góp, bạn mới có quyền giám sát và chịu trách nhiệm về nó và có thể cho mọi người thấy bản chất của vấn đề. Nói cách khác, có thể nói, thông qua việc quyên góp cho Quỹ chữ thập đỏ Hồ Bắc, Triệu Triệu đã làm cho tác phẩm của mình hoàn hảo hơn nữa. Tác phẩm của Triệu Triệu không chỉ dừng lại ở một bức tranh, mà là một loạt các “performance” của một nghệ sĩ trình diễn.

Để chung tay chống lại đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức nghệ thuật cũng đóng góp tài chính không nhỏ. Vào khoảng đầu tháng 3, How Art Museum, Bảo tàng tư nhân của Thượng Hải, kết hợp với Yitiao, Modern Media Group và ART021, đã tổ chức cuộc đấu giá trực tuyến tên gọi “Stand Together Through Thick and Thin: A Charity Auction to Combat the Epidemic”/Kiên trì sát cánh bên nhau: Đấu giá từ thiện để chống lại dịch bệnh”. Cuộc đấu giá trực tuyến diễn ra 3 lần, với sự tham gia với hơn 80 tổ chức nghệ thuật và phòng trưng bày ở Trung Quốc và nước ngoài. Số tiền thu được sẽ được chuyển đến Quỹ Thượng Hải Tống Khánh Linh để mua các vật dụng y tế phòng chống đại dịch cho các học sinh tiểu học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở Trung Quốc. Kết thúc 3 phiên đấu giá, có 298 tác phẩm được quyên góp, số lượng tác phẩm được đấu giá thành công lên tới 248 (tỷ lệ đấu giá thành công 87%), và tổng số tiền thu được lên đến 12.213.800 RMB (*2).

Image for post
Áp phích giới thiệu chiến dịch “Stand Together Through Thick and Thin: A Charity Auction to Combat the Epidemic” của How Art Museum

Không chỉ dừng lại ở hành động quyên góp hay tổ chức đấu giá, nhiều trung tâm nghệ thuật và các nghệ sĩ còn tổ chức các buổi trình diễn trực tuyến để khán giả có thể tạm thời quên đi nỗi đau và những nỗi bức bối do bệnh dịch mang lại. Vào ngày 29 tháng 2, vượt qua những hạn chế của thời gian và không gian, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại UCCA của Trung Quốc giới thiệu Buổi hòa nhạc trực tuyến với tên gọi “Khu vườn tình nguyện: Sự chữa lành bằng âm nhạc”. Chín nhạc sĩ tham gia biểu diễn lần lượt ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Hợp Phì [thành phố của tỉnh An Huy, Trung Quốc], Boston và New York, kết nối với khán giả bằng âm nhạc thông qua nền tảng điện toán đám mây. Trong chữ Hán, lạc (楽) và dược (薬) là hai chữ có chung nguồn gốc. Cả hai đều là phương thuốc chữa lành những nỗi đau vô hình và hữu hình. Theo kết qủa thống kê thu được, số người xem buổi hòa nhạc này đã vượt quá con số 3 triệu trong hơn 4 giờ và thu được hơn 1 triệu lượt “thích” (*3).

Image for post
Poster giới thiệu Buổi hoà nhạc “Khu vườn tình nguyện: Sự chữa lành bằng âm nhạc”

Khi không gian công cộng vật lý bị đóng cửa đối với công chúng, các không gian công cộng ảo như Internet và SNS đóng vai trò là pháo đài cuối cùng để duy trì kết nối với khán giả. Nhiều khoá học trực tuyến về nghệ thuật do các bảo tàng tổ chức miễn phí được ra đời. Ở các quốc gia nơi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố, các biện pháp phong tỏa được thực hiện với các hạn chế đối với các quyền tự do cá nhân.

Tuy nhiên, từ bỏ thói quen là một điều không dễ dàng. Nhằm cổ động, giáo dục người dân cách phòng chống dịch bệnh, chính chính phủ Ukraina phát động chiến dịch khá thú vị, Art of Quarantine — Nghệ thuật kiểm dịch. Đó là những tấm áp phích được công ty quảng cáo Looma, Ukraina, sáng tạo dựa trên nền tàng các bức hoạ kinh điển của thế giới.

Có thể điểm qua một số poster thú vị như sau:

Tuyệt tác Napoleon vượt dãy Anpơ trên đèo Grand-Saint-Bernar của Jacques-Louis David được biến tấu thành tấm poster Người giao hàng đồ ăn. Người đàn bà và con chồn của Leonardo da Vinci được biến tấu poster người phụ nữ cầm gói mì ống và đậu lăng.

Image for post
Poster “Use Delivery”, Art of Quarantine, sáng tạo bởi Looma

Để cổ động dân chúng rửa tay, đội ngũ sáng tạo của Looma biến tấu một phần tác phẩm Sự tạo dựng Adam của Michelangelo, để tạo nên bức poster với tên gọi Hãy dùng dung dịch rửa tay khô. Hay khi cần giao tiếp, cần phải giữ khoảng cách 2m, bức tranh Orpheus và Euridyke (tác giả Frederick Leighton) khoác lên một diện mạo mới như một sự đoạn tuyệt từ chối giao tiếp hài hước và thú vị.

Image for post
Poster “Keep The Distance”, Art of Quarantine, sáng tạo bởi Looma

Tại thời điểm này, theo nguồn tin của “Artnet News”, một số bảo tàng trên thế giới ở Đức, Áo, Trung Quốc đang rục rịch mở cửa trở lại. Tại Trung Quốc, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Uhrens của Bắc Kinh (UCCA) đã quyết định mở cửa trở lại vào ngày 21 tháng 5 với cuộc triển lãm “Meditations in an Emergency/Trầm tưởng trong một tình trạng khẩn cấp”, giới thiệu các tác phẩm của khoảng 30 nghệ sĩ Trung Quốc và thế giới để phản ánh thế giới hậu Covid, về tỷ lệ tử vong, về bản tính động vật trong mỗi con người, về toàn cầu hóa, về tính thông tin trong cuộc khủng hoảng (*3).

Image for post
Zhang Hui, Just Like in the Mirror 1, 2018, Oil on Canvas, 145.8 x 112cm, theo Ucca

Tên cuộc triển lãm được lấy theo tên tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Mỹ, Frank O’Hara, với những ý thơ đầy nhức nhối: “Trong thời kỳ kihủng hoảng, tất cả chúng ta phải quyết định hết lần này đến lần khác người mình yêu”.

Trong bối cảnh dịch bệnh cúm Corona chủng mới, tôi không nghĩ rằng nghệ thuật sẽ thay đổi thế giới. Nhưng ít nhất theo như phát biểu của hoạ sĩ Judy Chicag, “nghệ thuật có thể thay đổi tình hình hiện tại bằng cách giáo dục, khai sáng và tạo ra năng lượng”. Với sức mạnh mà nghệ thuật mang lại, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng nghệ thuật có thể đưa chúng ta trở lại một đời sống bình thường sau cơn khủng hoảng.

Ánh Hiền, 26/4/2020

(1) https://news.artron.net/20200130/n1069766.html

(2) http://www.sh.chinanews.com/wenhua/2020-03-06/72554.shtml

(3) https://ucca.org.cn/en/exhibition/meditations-in-an-emergency/

1 nhận xét:

  1. Harrah's New Orleans Hotel & Casino | Jackson County - KT Hub
    Host your 남양주 출장샵 event at Harrah's New Orleans 영주 출장안마 Hotel & Casino in Jackson 경기도 출장안마 County, including music, 경상남도 출장샵 comedy, entertainment, 광명 출장마사지 and more.

    Trả lờiXóa