Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Xung đột Mỹ - Trung ngày càng leo thang ở biển Đông - Đài Loan là bên nắm giữ chìa khóa

Nobuyuki Nose, theo Nippon.com, 22/9/2020, Ánh Hiền dịch

 

Xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng trở nên gay gắt. Để đối phó với các yêu sách lợi ích phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã triển khai các "hoạt động hàng hải tự do" và huấn luyện tập trận cho các cụm tàu sân bay tấn công chủ lực (CSG). Trong khi đó, vào tháng 8 năm 2020, Trung Quốc đã phóng 4 tên lửa đạn đạo để tỏ thái độ khiêu khích. 

Biển Đông, hiện đã trở thành một “điểm nóng”, vậy bối cảnh đằng sau nó là gì?

Hình ảnh về tập trận chung của hai tàu Nimitz và Ronald Reagan vào ngày 5 tháng 7 năm 2020 ở Biển Đông, ZUMA PRESS

Phóng tên lửa để thể hiện ý chí của Trung Quốc

Vào ngày 26 tháng 8 năm 2020, quân đội Trung Quốc phóng bốn tên lửa đạn đạo về phía biển Đông, một hành động được cho là để khuyếch trương "ý chí" mạnh mẽ của Trung Quốc: tuyệt đối không rút lui trước thách thức của Hoa Kỳ đối với "lợi ích" của chính họ ở Biển Đông. 

 

Trước “hành động khiêu khích” của Trung Quốc, ngay sau đó, vào ngày 27/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đáp trả: “Việc tiến hành các cuộc diễn tập quân sự tại các khu vực xung đột trên Biển Đông là phản tác dụng đối với chính sách giảm bớt căng thẳng và duy trì ổn định”. Hành động của Trung Quốc đang đi ngược lại với cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” như đã từng tuyên bố. Vào ngày 9 tháng 9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại tuyên bố “yêu sách quyền lợi của Trung Quốc đối với Biển Đông là "bất hợp pháp". Ngoài ra, vào ngày 17 tháng 9, khi Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ có chuyến thăm đến Đài Loan, tổng cộng có 35 máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay tuần tra của Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, băng qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan vào ngày 18 và 19.

 

Nếu xung đột Mỹ-Trung leo thang và cả hai nước vẫn không ngừng uy hiếp bằng quân sự thì cuộc đụng độ ngẫu nhiên là điều không thể tránh khỏi. Vì sao Biển Đông đang trở thành “điểm nóng”?  Nguyên nhân đang nằm ở chỗ, việc Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông hay không được cho là ảnh hưởng đến việc “phòng vệ trên đất liền" của Hoa Kỳ. Vấn đề này sẽ được mô tả chi tiết sau đó, nhưng trước tiên, chúng ta hãy xem xét vụ phóng tên lửa lần này của Trung Quốc.

 

Vậy thì Trung Quốc đã phóng loại tên lửa loại nào và bằng cách nào? Theo tờ báo "Global Times" (phiên bản tiếng Anh của tờ “Nhân dân nhật báo” của Trung Quốc (ngày 27 tháng 8 năm 2020), có hai loại tên lửa được phóng lên, đó là “DF-26B” - phóng từ tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc, và ”DF-21D” -  phóng ở tỉnh Chiết Giang ở phía đông. Cả hai đều đổ bộ vào vùng biển nằm giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa. Giới thạo tin cho rằng, mục đích của việc phóng tên lửa lần này là nhằm hạn chế năng lực tiếp cận của nước khác đến khu vực xung đột trên Biển Đông 

 

Các tên lửa được phóng là Guam Killer và Aircraft Carrier Killer 

Cả DF-26B và DF-21D đều sử dụng bệ phóng di động. DF-26B là tên lửa đạn đạo tầm trung hạt nhân và phi hạt nhân dùng để tấn công mục tiêu trên mặt đất và trên biển với tầm bắn 4000 km, được gọi là "Guam Killer" (ý chỉ căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam). Ngoài ra, Guam Killer còn được phân loại như một tên lửa đạn đạo chống hạm (theo tờ “The Diplomat" ngày 27 tháng 8 năm 2020). DF-21D là tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung có tầm bắn khoảng 1800km, còn được mệnh danh là "Aircraft Carrier Killer (sát thủ diệt tàu sân bay)".

 

Tên lửa đạn đạo là vũ khí nhắm vào các mục tiêu cố định không di chuyển, nhưng tên lửa đạn đạo chống hạm là loại vũ khí mà phương tây chưa có, thường được dùng để tìm kiếm tàu ​​mục tiêu bằng các cảm biến ở đầu đạn và đâm thẳng vào chiến hạm đang di chuyển.

 

DF-26B và DF-21D là tên lửa tấn công các mục tiêu ở trên mặt nước có tầm bắn mạnh hơn gấp đôi so với loại thường. Giống như Global Times của Trung Quốc đã chỉ ra, nếu được phóng vào một khu vực đặc định trên Biển Đông, mục đích là để phô bày năng lực làm hạn chế khả năng tiếp cận Biển Đông của các lực lượng như nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ (CSG).

 

Kìm hãm hành động quân sự của Hoa Kỳ

Cho đến nay, Hoa Kỳ đã nhiều lần triển khai các "hoạt động hàng hải tự do" như một cách tiếp cận Biển Đông. Hoạt động này diễn ra 2 lần vào năm 2015, 3 lần vào năm 2016, 6 lần vào năm 2017, 5 lần vào năm 2018, 7 lần vào năm 2019 và 7 lần vào năm 2020 tính đến ngày 27 tháng 8 năm 20.

 

Ngoài ra, Hoa Kỳ còn triển khai các cuộc tập trận riêng lẽ bất thường khác ở biển Đông. Đó là cuộc diễn tập của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt vào tháng 4 năm 2020; cuộc diễn tập bất thường của 2 nhóm - nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan và nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz với 1 máy bay ném bom cỡ lớn B-52H của Không quân Mỹ vào tháng 7 năm 2020.

 

Tờ Global Times cho biết: “Khi Hoa Kỳ gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông nhắm vào Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc phải thực hiện các cuộc triển khai và tập trận đối phó mạnh mẽ để giảm áp lực của Hoa Kỳ”. Và việc phóng tên lửa có thể được xem như là một "đe doạ" đối với Hoa Kỳ.

 

Vậy, Biển Đông có ý nghĩa như thế nào đối với các chiến lược an ninh của Mỹ? Trong bản báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ "Sự xung đột trong chiến lược Mỹ-Trung ở Biển Đông và Hoa Đông (U.S.-China Strategic Competition is South and East China Seas)" được ban hành vào cuối tháng 8 năm 2020, có đoạn phân tích rằng, "Trung Quốc tận dụng các đội đang hoạt động tác tại các căn cứ địa của Trung Quốc tại Biển Đông để tạo ra các pháo đài cho đội ngăn chặn chiến lược (thánh địa đang hoạt động) bao gồm cả tàu ngầm SSBN mới của Trung Quốc.

 

Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc đang biến Biển Đông thành “pháo đài hoá"

SSBN là tàu ngầm hạt nhân chiến lược có trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân. Lí do trong báo cáo của Quốc hội Mỹ nhấn mạnh việc triển khai các tàu ngầm tên lửa của Trung Quốc ở Biển Đông, có thể là vì còn liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân chiến lược ở biển Đông.

 

Có thông tin cho rằng các máy bay ném bom hạng nặng của Trung Quốc đang phát triển là máy bay ném bom tàng hình H-20 với tầm bay từ 8500 km trở lên, nhưng tính đến tháng 8 năm 2020, vẫn chưa có máy bay ném bom hạng nặng nào có thể bay đến được lục địa Mỹ. Vì vậy, đối với Hoa Kỳ đại lục, mối đe dọa từ các máy bay ném bom hạng nặng của Trung Quốc không phải là vấn đề trong hiện tại.

 

Vậy thì, ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) thì sao? Nói chung, có hai loại bệ phóng ICBM, một là loại silo chứa tên lửa trong một lỗ thẳng đứng có nắp cực đại. Loại còn lại là loại bệ phóng di động được gắn trên phương tiện chuyên chở ô tô và tàu hỏa. Cả hai đều phát triển các loại cảm biến như vệ tinh do thám, nên đều có khả năng cao trong việc định vị vị trí từ thời điểm bình thường. Nhìn chung, bệ phóng ICBM có thể được ngăn chặn và dễ biến thành mục tiêu của vũ khí hạt nhân chiến lược của địch.

Tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo "JL-2" xuất hiện trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khách 1/10/2019 ở Bắc Kinh

 

Tuy nhiên, nếu là SSBN (tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược) có trang bị SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) thì có thể dễ dàng thoát khỏi đòn tấn công phủ đầu của đối phương, và chuyển sang phản công bằng SLBM. Trung Quốc chế tạo 6 tàu SSBN lớp Jin. Có thể lắp đặt tối đa 12 CSS-N-14 (JL-2) SLBM cho mỗi tàu. Tàu SSBN loại 096, là biến thể của SLBM, được cho là có trang bị JL-3 và có thể bắt đầu được chế tạo vào đầu những năm 2020.

 

JL-2 là SLBM có tầm bắn trên 7400km, nhưng “do JL-2 hiện tại bị giới hạn tầm bắn , nếu Trung Quốc nhắm vào bờ biển phía đông của Hoa Kỳ, cần phải đưa tàu SSBN lớp Jin hoạt động ở vùng biển phía bắc và phía đông Hawaii” (Theo bản báo cáo Năng lực quân sự của Trung Quốc 2020 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ). Hiện tại, khả năng SLBM của Trung Quốc đưa lục địa Hoa Kỳ vào phạm vi tầm bắn là điều rất khó, vì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không bỏ qua nếu các tàu ngầm của Trung Quốc hoạt động gần Hawaii.

 

Sự phát triển tên lửa của Trung Quốc là "cơn ác mộng" đối với Mỹ

Tuy nhiên, tình hình lại khác khi nói đến SLBM hệ JL-3, đã được phóng thử nghiệm từ tháng 11/2018. JL-3 có tầm bắn từ 12.000 đến 14.000 km, và có thông tin cho rằng có thể lắp tối đa 24 tên lửa trên tàu ngầm hạt nhân loại 096 (theo "Nhật báo nhân dân" 26/2/2015). Do đó, "Nếu Trung Quốc có thể triển khai các SLBM tầm xa hơn như JL-3, Hải quân Trung Quốc sẽ có được khả năng đưa Hoa Kỳ vào mục tiêu tầm bắn từ các vùng bờ biển của Trung Quốc (Theo báo cáo "Năng lực quân sự của Trung Quốc 2020  của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ”).

 

Nói cách khác, nếu tàu ngầm tên lửa loại JL-3/096 được triển khai trong tương lai, nó sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho Hoa Kỳ, và đối với Trung Quốc đó sẽ có là con bài răn đe mạnh mẽ đánh vào đại lục Hoa Kỳ. 

 

Vậy thì, báo cáo cho rằng, [vùng bờ biển của Trung Quốc] mà tàu ngầm hạt nhân loại 096 được triển khai để nhắm vào Hoa Kỳ chỉ khu vực nào nào?

 

Các vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc được chia thành biển Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Độ sâu trung bình của Hoàng Hải là dưới 50m. Phần lớn Biển Hoa Đông sâu chưa đến 200m. Giả sử tàu ngầm tên lửa lớp Jin cố gắng tiến vào Thái Bình Dương từ bờ biển Trung Quốc qua biển Hoàng Hải và Biển Hoa Đông, lúc đó quần đảo Satsunan và quần đảo Ryukyu của Nhật Bản sẽ được kết nối như một bức tường, căn cứ không quân Kaneda thuộc Okinawa sẽ triển khai tàu ngầm không người lái (Sea hunter) mới nhất của Hải quân Mỹ máy bay tuần tra săn ngầm P-8A để theo dõi; trong khi đó tại căn cứ Naha máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải sẽ được triển khai. Nói cách khác, Hoàng Hải và bờ biển Hoa Đông không thích hợp cho việc triển khai tên lửa.

 

Vì sao Trung Quốc muốn "thánh địa hoá" Biển Đông

Mặt khác, biển Đông là khu vực có nhiều vùng biển có mực nước sâu 2000-4000m. Việc căn cứ của tàu ngầm hạt nhân lửa lớp Jin mà có trang bị SLBM của Trung Quốc nằm ở vịnh Du Lâm trên đảo Hải Nam ở phía bắc Biển Đông không phải là không liên quan đến điều này.

Nếu có thể ngăn chặn tàu ngầm, tàu nổi và máy bay tuần tra của các quốc gia khác không đến được khu vực vùng biển này, có thể biến nơi đây thành “thánh địa” cho các tàu ngầm hạt nhân tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc đã xây dựng đường băng, radar, thiết bị phòng không, bến cảng,… trên các đảo và đảo nhân tạo ở Biển Đông để làm căn cứ, coi đó như là khu bảo tồn an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân tên lửa.

 

Ngay cả khi JL-2 được phóng từ vùng biển của Biển Đông, nó sẽ không đến đất liền của Mỹ, nhưng Nhật Bản và cả đảo Guam cũng sẽ nằm trong tầm bắn.Và trong tương lai, nếu tồn tại một khu bảo tồn tên lửa ra đời trên Biển Đông, khả năng cao là có thể đưa các khu vực như “bờ Tây lục địa Hoa Kỳ” vào phạm vi tầm bắn từ tàu ngầm hạt nhân tên lửa dưới nước loại 096 bằng JL-3.

Nói cách khác, người ta cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy dự án phát triển loại 096 / JL-3 và việc "thánh địa hoá" các tàu ngầm hạt nhân tên lửa ở Biển Đông được triển khai song song là nhằm vào Hoa Kỳ. Do đó, "hoạt động hàng hải tự do" của quân đội Mỹ trong khu vực Biển Đông và các cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và các đồng minh có thể được hiểu là "ngăn cản chính sách thánh địa hoá" trong khu vực.

 

Cuộc chiến khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Biển Đông phải chăng đang dần dần ở trong tình trạng không thể thoả hiệp được? Đối với Hoa Kỳ, đó là cuộc chiến để bảo vệ đất liền của mìnhh trong tương lai gần. Đối với Trung Quốc, là nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân chiến lược để giữ Hoa Kỳ đại lục trong phạm vi tầm bắn.

 

Mỹ sẽ làm gì nếu trong tương lai gần, Trung Quốc chế tạo xong tàu ngầm hạt nhân tên lửa loại 096 mà có trang bị tên lửa JL-3, và hoàn thành việc xây dựng "các thánh địa cho tàu ngầm hạt nhân tên lửa" để Mỹ và các đồng minh không thể tiếp cận ở Biển Đông? Từ quan điểm này, Đài Loan đang thu hút sự chú ý.

 

Lộ diện hệ thống radar khổng lồ ở Đài Loan 

Ở độ cao 2500m so với mực nước biển ở thành phố Tân Trúc, đông bắc Đài Loan, nếu nhìn từ ảnh vệ tinh dân sự sẽ thấy hiện lên một công trình kiến trúc khổng lồ. Đây là công trình được xây dựng với chi phí khổng lồ 120 tỷ yên, hoàn thành vào cuối năm 2012 theo "Kế hoạch An-Pang" của Không quân Đài Loan, là ăng ten radar mảng pha PAR ( phased array radar) cao nhất thế giới dùng cho mục đích theo dõi và đưa ra cảnh báo sớm (Theo Trung Ương Xã, 2013/1/3).

 

Một bên của ăng-ten dài khoảng 30m, là radar cảnh báo sớm chiến lược của quân đội Mỹ đã được chuyển giao cho Đài Loan vào năm 2000, và là một trong những radar có hiệu suất cao tốt nhất thế giới sử dụng các thành phần của AN / FPS-115 Pave Paws. Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, việc chuyển giao này là để tăng cường "khả năng phòng không và phòng thủ tên lửa" cho Đài Loan. Đặc biệt, còn cho thấy điểm chung trong giao tiếp và liên kết dữ liệu giữa Đài Loan với Hoa Kỳ.

 

Pave Paws là radar chủ yếu dùng để đối phó với SLBM được phát triển ở Hoa Kỳ trong những năm 1970 và 1980. Theo tài liệu của Bộ Tư lệnh Không gian của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ (cập nhật vào tháng 7 năm 2019), đây là phương tiện “vừa có thể duy trì chức năng giám sát vừa theo dõi nhiều mục tiêu".

 

Theo báo cáo, phạm vi mà radar này có thể phát hiện phóng tên lửa là khoảng 5000 km, đặc biệt có thể dò và theo dõi cụ thể hơn 2000 km. Ngoài ra, radar này còn có một chức năng đáng chú ý là: từ núi Nhạc Sơn trong phạm vi khoảng 2000 km vì có thể bao phủ gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, nên dữ liệu dò tìm và theo dõi các tên lửa khác nhau bằng radar này có được chuyển cho phía Mỹ tức thời.

 

Nếu có thể bắt được tín hiệu từ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mà bay từ Biển Đông hướng vào đất liền Mỹ thì Mỹ có thể tìm cách đánh chặn bằng tên lửa đánh chặn và phản công bằng vũ khí hạt nhân chiến lược của mình. Tuy nhiên, nếu hệ thống radar khổng lồ của Đài Loan-Nhạn Sơn không hoạt động, hoặc nếu dữ liệu không đến với quân đội Mỹ tức thời, thì khả năng đánh chặn và phản công của phía Mỹ có thể bị suy giảm.

 

Đối với Hoa Kỳ, trong tương lai, hệ thống EWR / SRP (Early Warning Radar (EWR): Rada cảnh báo sớm; Surveillance Radar Program (SRP): chương trình rada giám sát ND) ở núi Nhạc sơn của Đài Loan là “con mắt” giám sát không thể thiếu để dò và theo dõi các tên lửa đạn đạo được phóng bất ngờ từ tàu ngầm bay từ vùng biển Biển Đông hướng về phía đất liền Hoa Kỳ. Do đó, dù bất cứ giá nào cũng sẽ biến thành “cơ sở chiến lược" phải phòng vệ. Theo đó, đối với Hoa Kỳ, núi Nhạc sơn của Đài Loan được định vị là tiền tuyến trong việc bảo vệ đất liền của Hoa Kỳ; nếu không bảo vệ Đài Loan, sẽ không thể thành lập cái gọi là “ngăn chặn" đối với Trung Quốc.

 

Hoa Kỳ đang nhanh chóng đẩy mạnh tăng cường quan hệ vũ khí với Đài Loan

Chính quyền Trump sẵn sàng bán thiết bị để tăng cường sức mạnh cho quân đội Đài Loan. Ví dụ, vào ngày 20 tháng 8 năm 2019, chính phủ Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ xuất khẩu 66 chiếc máy bay tiêm kích F-16V (biến thể mới nhất của dòng tiêm kích một động cơ F-16 C/D) và các thiết bị liên quan khác cho Đài Loan. Ngoài ra, vào ngày 28 tháng 8 năm 2008, trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu máy bay chiến đấu F-16 (MRO) đầu tiên của châu Á đã được thành lập tại Đài Loan.

 

Vào thời điểm thành lập trung tâm MRO này, Tổng thống Thái Anh Văn coi đây là "một cột mốc quan trọng để nâng cao lực lượng không quân của Đài Loan, tăng cường khả năng tự vệ và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước ra thế giới." Nói cách khác, có vẻ như là không chỉ nhằm mục đích đảm nhận việc bảo dưỡng và sửa chữa F-16 của Đài Loan mà còn bảo trì cho F-16 của quốc gia khác. Nếu các quốc gia vận hành F-16 châu Á dùng dịch vụ MRO của Đài Loan, mối quan hệ giữa Đài Loan và nhiều quốc gia không có quan hệ ngoại giao tương ứng với Đài Loan có thể thay đổi một chút.

 

Có thể thấy gần đây, các hoạt động quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng lún sâu căng thẳng. Trong khi các hoạt động quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan trở nên sôi nổi thì xảy ra tình trạng máy bay Trung Quốc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Giả sử, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có xảy ra bất cứ xung đột bây giờ đi chăng nữa, nếu xung đột đó phát triển thành một tình huống ngẫu nhiên và nghiêm trọng cũng không phải là điều quá nhạc nhiên.

Nó cho thấy rằng, tình hình Biển Đông có liên quan sâu sắc.

---------------

[Đôi nét về tác giả Nobuyuki Nose]

Là nhà báo quân đội, sinh năm 1958 tại Kyoto, có thâm niên viết báo ở mảng quốc phòng cho các tạp chí hàng không và tàu biển và giải thích các vấn đề quân sự trên các chương trình tin tức truyền hình ở Nhật. Năm 1999, ông chịu trách nhiệm đưa tin về cuộc xung đột Kosobo tại cả Beograd và trụ sở NATO. Là tác giả một số đầu sách: "Phòng thủ tên lửa" (NXB Tân Triều Tân Thư), "Tình hình quân sự ở Đông Á từ giờ sẽ diễn biến thế nào" (PHP Tân Thư).

 

Bài đăng trên Luật Khoa Tạp Chí: 

https://www.luatkhoa.org/2020/11/dai-loan-chia-khoa-trong-xung-dot-my-trung-o-bien-dong/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét