Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Đàn bà ở tù

Vicki Covington
Ánh Hiền dịch







Có cuốn tiểu thuyết trên kệ sách tôi được đặt với nhan đề Mái nhà ở tận cùng thế giới. Một trong nhiều cuốn có lẽ tôi sẽ không bao giờ đụng tới. Tôi mua nó vì cái nhan đề chộp lấy mình. Tôi không rõ ý tác giả là gì khi đề cập tới mái nhà ở tận cùng thế giới, nhưng tuần trước tôi khám phá ra rằng mái nhà đó ở tiểu bang Alabama.







Tuần trước, tôi đến thăm nhà tù nữ Julia Tutwiler ở Wetumpka cùng với nhiếp ảnh gia Melissa Springer, người đã dành hai năm chụp hình tư liệu cuộc sống của những phụ nữ ở chốn này. Mặc dù cô đã hoàn tất các bức hình, đúng hơn là, đang triển lãm chúng tại Bảo tàng Nghệ thuật Huntsville, Springer vẫn tiến hành cuộc viếng thăm cùng tôi, chỉ mang theo gà rán (thịt là hàng xa xỉ), những tấm vải thừa để làm mền, và các bức ảnh.




Sau lưng cánh cổng lanh lảnh kêu và tự đóng lại. Chúng tôi đưa cho bảo vệ giấy phép lái xe và chìa khoá, rồi đi qua cánh cửa an ninh khác. Thế giới mở ra – một hành lang toàn cảnh nhìn vào xã hội. Những phụ nữ ngồi trên băng ghế, bận đồ trắng, hút thuốc. Hàng loạt phòng bên ngoài hội trường chính cùng hàng dãy giường hiện ra. Trong phòng ăn, treo một áp phích lớn "Giờ ta có thể bay lên!" Bên trên là một danh sách các tù nhân, những người dường như đã học được cách sống không rượu, không ma t.



Chúng tôi đi qua các hội trường lớn đến khi tới điểm cuối cùng mình muốn, khu cách ly y tế. Trong chái nhà dành cho bệnh nhân tâm thần, một người phụ nữ đang giữ chặt các then chắn bằng đầu các ngón tay. Băng qua nó, chúng tôi đi vào một buồng kín khác. Tôi biết rằng phút giây khi mình bước chân vào đó - khu HIV - chúng tôi đang ở cuối con đường. Đó là chốn thiêng liêng. Tường được sơn màu hồng. Bỗng dưng, các chị em đứng dậy, ra khỏi giường rồi tụ hợp lại tại phòng lớn. Họ vây quanh Melissa như những đứa trẻ.



Sau những cái ôm, họ ngồi xuống các chiếc ghế nệm mềm và chờ đợi. Melissa đưa một bức ảnh cho một phụ nữ, tôi sẽ gọi cô ấy là Thiên Sứ. Thiên Sứ chưa bao giờ gặp đứa con trai của mình. Họ bị cách ly ngay sau khi cô ấy hạ sinh. Thiên Sứ nghiện nặng cocaine. Cả mẹ và con đều nhiễm HIV dương tính. Đứa bé hiện được một bà mẹ chăm nuôi ở một nơi gọi là Nhà Dành Cho Bé tại Birmingham. Melissa tặng Thiên Sứ bức hình.



"Cảm ơn, Jê-su," Thiên Sứ nói với Melissa.



Thiên Sứ dẫn tôi tới nhà cô ấy. Ngôi nhà của cô là một cái giường cũi trẻ con, một cái hộp màu hồng – không lớn hơn một hộp đồ chơi bao nhiêu – gần như về không gian. "Ra khỏi nhà tôi ngay", cô làm ầm lên với “hàng xóm” của mình, người sống ở giường kế bên. "Hãy nói với Mẹ là để tao miếng thịt gà chiên." Người phụ nữ mà cô gọi là Mẹ là một tù nhân cùng khu – lớn hơn Thiên Sứ 20 tuổi hay nhiều hơn thế. Bà là mẹ của khu nhà.



Dưới gầm giường của Thiên Sứ có một đôi dép lê màu vàng đi trong phòng ngủ và một chiếc lược màu tím. Bên cạnh chiếc gối là cuốn Tân ước bản dịch hiện đại. Cô tháo chiếc khăn choàng cổ hình hoa ra khỏi những lọn tóc quăn đen, chạm ít phấn lên làn da mun của mình, và sau đó để cho Melissa chụp ảnh. Chiếc đầm dài trắng cô mặc, thật mỏng manh. "Ra khỏi nơi này nào", cô trêu đùa tinh nghịch. Nhưng, chỗ cuối cùng trong thế giới của cô, là nơi này. Nhiều phụ nữ như cô, những người có lẽ sẽ chết trong tù, họ biết một điều rằng họ sẽ được tại ngoại ở trên kia.



Vậy thì, lý do tại sao tôi cảm thấy phấn khích, không chán nản, một nơi như thế này? Chuyện gì đang xảy ra? Và đặc biệt, ai đã biến nơi đây thành một mái nhà? Quản giáo Shirlie Lobmiller nói rằng bà đã hỏi các phụ nữ ở đây về màu mà họ muốn tô lên các bức tường. Họ hỏi xin những bức rèm đang treo trong phòng làm việc của bà – trắng và hồng – và bà đã đưa cho họ. Khi hiểu được rằng những phụ nữ như họ đặc biệt khao khát một mái nhà, bà đã, trong hai năm kể từ khi trở thành quản giáo, tìm cách tạo ra một mái nhà như thế. "Trụ sở của tôi sẽ đầy màu sắc", bà nói. "Chúng tôi muốn một sắc màu rực rỡ, mang lại sự sống." Rồi bà hồi tưởng lại những ngày đầu tiên khi tiếp xúc với các tù nhân nhiễm HIV, nhân viên của bà đã đeo "mặt nạ, găng tay, và áo choàng". "Ôi, ban đầu chúng tôi thật ngu dốt ", bà than vãn. Bây giờ, bà nói, tôi quyết định chạm vào họ trên cánh tay hoặc vai. "Tôi không chạm vào bất cứ tù nhân nào khác khi bước đi trên hành lang," bà nói. "Nhưng tôi chạm vào phụ nữ ở khu này.”



Nếu nói về điểm bất cập ở nơi này, đó là khi một trong số các tù nhân rời khỏi nơi đây và bước vào một thế giới, một nơi họ sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi cần sự hỗ trợ về mặt y tế. AZT [1] và những phương pháp điều trị khác đều có sẵn trong nhà tù. Điều này vẫn chưa được xem là một tình huống của đời sống thường nhật. Hơn hết, nó còn là rào cản của định kiến​​. "Nhưng ở đây thì an toàn," Lobmiller chứng thực. Bà kể một câu chuyện về một tù nhân nhiễm HIV sau khi mãn hạn tù và bước vào cộng đồng. Khi một người hàng xóm cô ấy chết, cựu tù nhân đã đem sang một dĩa thức ăn, một phong tục thể hiện sự lịch thiệp của người miền nam khi hàng xóm có tang lễ. Nhưng gia đình đó đã từ chối nhận nó, vì sợ rằng nó bị "nhiễm". Từ đó về sau, người phụ nữ chỉ mang đồ uống đóng chai đã được bịt kín đến các buổi tang lễ và những cuộc tụ họp khác. Khi trở lại nhà tù, cô thuật lại câu chuyện cho người quản giáo và bảo "thật tốt khi trở về nhà."



Khi chúng tôi chuẩn bị rời đi, Thiên Sứ hỏi Mẹ thêm một ít thịt gà chiên. Mẹ đang thu thập mớ vải thừa cho các đứa con của bà làm thành các tấm mền để chuyển đến Nhà Dành Cho Bé ở Birmingham. Rồi đi đếm các cuộn chỉ. "Tối nay chúng tôi sẽ chơi bingo [2] bằng những cái này", bà giải thích. "Không có đủ cho tất cả mọi người, vì vậy chúng tôi phải biến nó thành một trò chơi." Mẹ muốn cả gia đình sống trong chan hòa. Tôi không thể giúp gì nhưng tôi nghĩ, nếu Chúa, như lời Bette Midler hát, “đang nhìn chúng ta từ xa” chắc hẳn ngài sẽ nhận thấy rằng sự tranh luận của chúng ta về các giá trị gia đình sao là lạ và xót xa – trong đó chúng ta, tất cả chúng ta, chính chúng ta, là một gia đình.



Khi bạn ngước ra ngoài cửa sổ tại Mái Nhà ở Tận Cùng Của Thế Giới, bạn sẽ thấy mèo lớn và mèo con – những con thú cưng của gia đình HIV. Bạn sẽ thấy một cái bàn bên dưới một mái che với cây trồng đang trổ lớn. Bạn sẽ thấy một nhúm xanh – ai quan tâm nó là cỏ hay cỏ dại. Bạn sẽ thấy các đoá hướng dương khổng lồ mà ai đó nghĩ sẽ vun trồng. Điều luôn làm tôi ngạc nhiên là, cung cách mà những cái cây ấy biết làm thế nào để hướng gương mặt mình về phía ánh sáng.

.



Chú thích:

[1] Zidovudine hay còn gọi là azidothymidine (AZT) là một loại dược phẩm có tác dụng làm chậm tiến trình của bệnh HIV/AIDS.

[2] Bingo là một trò chơi phổ biến ở các nước phương Tây như châu Âu hay Mỹ tương tự như Lô tô, thường được chơi trong gia đình hoặc cùng với bạn bè trong các dịp lễ.

-------------------------------- Bản dịch tại Sài Gòn, 19/8/2013

Trích trong Tập tiểu luận: “Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than” của Vicki Covington, Ấn quán Đại học Alabama xuất bản, 2002.

1 nhận xét:

  1. Cám ơn em dịch bài viết này. Chị bây giờ mới biết là có những nhà tù họ đã làm được điều đẹp đẽ như vầy rồi.

    Hồi xưa chị cũng đã từng nghĩ, nhà tù phải là nơi để những tâm hồn cằn cỗi được tưới tắm và chăm sóc. Không phải là nơi để trừng phạt họ. Vì nói sâu xa, những sai phạm họ gây ra chưa hẳn là do lỗi của một mình họ. Có thể đó còn là do thiếu thốn tình thương và sự giáo dục đầy đủ trong gia đình, do hoành cảnh sống, do sự vô tâm vô ý nào đó của con người v...v...

    Chị thấy các bạn thanh niên tình nguyện dành rất nhiều sự quan tâm đến người nghèo, trẻ mồ côi, người già neo đơn v...v... Nhưng còn một bộ phận họ cũng rất cần xã hội quan tâm, là những người ở trong tù.

    Chị từng nghĩ đến những chương trình tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, những lớp học kĩ năng mềm, kĩ năng giao tiếp, những trò chơi teamwork v...v... rất thú vị, vốn chỉ dành cho các sinh viên, nhân viên văn phòng, đúng ra cũng rất cần cho họ. Mà chị nghĩ, họ càng lại cần chúng nhiều hơn nữa. Vì họ đã thiếu những kĩ năng đó mà phải vấp lỗi.

    Chị nghĩ vậy mà không biết gửi gắm suy nghĩ của mình cho ai nữa.

    Trả lờiXóa