Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Ngực chị

Vicki covington
Ánh Hiền dịch
Tôi có năm người bạn bị ung thư vú.
Một trong số đó là Karon Bowdre. Hôm nay, tôi đã đến nghe chị nói chuyện ở tổ chức Hội Pháp Người Kito Giáo. Sau đó, tôi hỏi liệu mình có thể viết về chị được không. Chị ngập ngừng. Tôi nghĩ chị ấy sẽ nói không. "Được thôi. Nhưng đừng biến tôi thành một vị thánh, bởi vì tôi không phải. ", chị nói. 
Karon là một người mẹ, một luật sư. Cuộc đời chị chựng lại từ ngày 4 tháng 10. Đó là ngày đầu tiên chị biết về căn bệnh ung thư của mình. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chị đã tiến hành phẫu thuật, tái tạo vú, và hóa trị liệu. Khoảng hai tuần trước, tôi vô tình gặp chị tại bệnh viện. Chị cho tôi xem cơ thể của mình. Thành thật mà nói, tôi sững sờ trước vẻ đẹp của phẫu thuật tái tạo. Cảm thấy vinh dự khi mình là một nhân chứng cho nó. Nói theo từng câu chữ, tôi thích cái việc mà chị “để cho tôi can dự vào”.
Và khi biết được chị có buổi nói chuyện hôm nay, tôi biết nhất định mình phải đến.
Khi bước vào phòng ăn A toà nhà Cái Chuông Trung Tâm Miền Nam, Karon đang đứng. Chị đội chiếc mũ xanh hải quân kiểu cách, choàng khăn quàng màu đỏ. “Ồ! Một chiếc mũ. Chị ấy đội mũ trông thật dễ thương. Mình đã thấy chị ấy đội mũ lần nào chưa nhỉ?”, tôi ngây thơ nghĩ. Mà không nhận ra chị đang hoá trị liệu – vì vậy, chiếc mũ trên đầu.
Đầu tiên, chị nói đến một thực tế cứ tám phụ nữ sẽ có một bị ung thư vú, và mười ngàn phụ nữ tử vong vì nó hàng năm. Chị nói sự thật là bản thân chị không thoả mãn bất cứ điều kiện hồ sơ dự báo nào: chị vẫn chưa đến 40; không có tiền sử gia đình. Nhưng, chị nói, 60 phần trăm phụ nữ bị bệnh ung thu vú không có tiền sử gia đình. Chị cũng nói về việc trước khi chụp quang tuyến vú phát hiện ra khối u thì khối u đó đã tồn tại và phát triển trong nhiều năm, thậm chí nếu dò ra nó bằng tay thì càng mất thời gian hơn nữa.
Sau đó, chị nói về tâm linh của mình. Nhưng chính những chi tiết về thân thể mà căn bệnh ung thư mang lại từ lời chị kể là cái tôi không thể nào quên. Đó là mái tóc chị. Như thể là mất đi. Chị thú nhận rằng việc đánh mất nó, cái khiến chị kiêu hãnh, là một điều rất khó khăn (chị có mái tóc vàng tuyệt đẹp). 
Trong cuốn sách Ngực Của Tôi của Joyce Wadler, Wadler kể rất chi tiết khi trông thấy khối u của mình, kích thước khối u cỡ bằng trứng con chim cổ đỏ, thật khó khi nhìn vào, và phải rán mường tượng ra nó. "Chúng tôi không biết đó là bệnh ung thư", bà nói, "cho đến hai mươi phút sau, khi họ sắp khâu xong cho tôi và báo cáo kết quả bệnh lý, tôi mới đặc biệt vui sướng với những gì tôi đã thấy. Một đối một, mắt đổi mắt. "
Thật khó để nhìn. Thật khó khi nhìn vào những người bạn của mình và biết rằng họ đã phải chịu đựng những điều ta không thể bắt đầu hiểu được. Thật khó để biết được rằng ngoài bốn mươi tuổi lại chứa đựng tất cả loại rủi ro.
Nhưng chắc chắn không khó khi nhìn vào Karon. Lắng nghe cũng không. Thật tốt khi có những người bạn sẵn sàng đối đầu với cái như là bệnh ung thư. Thật tốt biết bao khi biết rằng họ ở đó, nếu bạn - hoá ra là một trong tám người - giống như họ.
Trong một bài viết "Dồn cả cuộc đời vào một điểm" của Gilbert Meilaender, ông nói rằng, tưởng tượng như bạn đang ở trên đỉnh cao nhất của thời điểm quan trọng trong cuộc đời, bạn bè sẽ nói với bạn rằng, Đừng lo lắng. Nó sẽ qua thôi. "Nhưng," ông nói, "việc một thời điểm trôi qua như thế không giống với khi bạn dồn cả cuộc đời mình vào một điểm để quyết đấu. Thời điểm qua đi, cuộc sống vẫn tiếp tục, có thể là ít nhiều như trước. Nhưng nếu chúng ta nắm lấy thời điểm ấy, chấp nhận một dạng cái chết nào đó mà nó mang lại, chúng ta có thể được tái sinh – có đời sống khá khác biệt so với việc tiếp tục một đời sống đơn điệu.
Karon nói với tôi rằng một vài người bạn đã khuyên chị không nên nói chuyện công khai về căn bệnh ung thư của mình khi nó chỉ mới ở giai đoạn đầu. Họ bảo chị ấy hãy đợi – đến khi hóa trị liệu xong, đến khi có thời gian tiêu hoá được nó, đến khi vết thương lành, đang thuyên giảm.
Nhưng một cơ thể đang thuyên giảm, một linh hồn đang thuyên giảm, lại thiếu sự say mê của thời điểm. Chị đã chọn cách nắm chặt thời điểm ấy, dồn vào nó và đặt nó dưới ánh sáng với tất cả lăng kính, góc cạnh đầy đủ.
"Chị đã có được sự rực rỡ đó," tôi nói với chị khi chị kết thúc buổi nói chuyện về căn bệnh ung thư của mình. Chị không phủ nhận điều đó. Chị chỉ nói với tôi rằng hãy về nhà và đọc Thánh Thi 34:1–7 .
Tôi đã làm.
Đoạn thánh thi nói rằng ánh sáng sẽ chiếu đến khuôn mặt của một người khi họ giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.
--------------------------------
 [Chú thích]
Thi Thiên là một sách nằm trong Kinh thánh Do Thái và Cựu Ước. Sách Thi Thiên là tập hợp bao gồm 150 bài thơ, bài hát tôn giáo (gọi chung là các bài Thi Thiên). Dưới đây là đoạn Thi Thiên 34:1-7 được tác giả đề cập trong bài:
34:1 Tôi sẽ chúc tụng Ðức Giê-hô-va luôn luôn, Sự khen ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi.
34:2 Linh hồn tôi sẽ khoe mình về Ðức Giê-hô-va, Những người hiền từ sẽ nghe, và vui mừng.
34:3 Hãy cùng tôi tôn trọng Ðức Giê-hô-va, Chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài.
34:4 Tôi đã tìm cầu Ðức Giê-hô-va, Ngài đáp lại tôi, Giải cứu tôi khỏi các đều sợ hãi.
34:5 Chúng ngửa trông Chúa thì được chói-sáng, Mặt họ chẳng hề bị hổ thẹn.
34:6 Kẻ khốn cùng nầy có kêu cầu, Ðức Giê-hô-va bèn nhậm lời người, Giải cứu người khỏi các điều gian truân.
34:7 Thiên sứ Ðức Giê-hô-va đóng lại chung quanh những kẻ kính sợ Ngài, Và giải cứu họ.
Nguồn: http://lftd.org/kt/kt19a_thithien175.htm
--------------------------------
Bản dịch tại Sài Gòn, 23/9/2013

Trích trong Tập tiểu luận: Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than của Vicki Covington, Ấn quán Đại học Alabama xuất bản, 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét