Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

HIẾN PHÁP BẢO VỆ QUYỀN TỰ DO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NHƯ THẾ NÀO?

Amedeo Santosuosso, Valentina Sellaroli, và Elisabetta Fabio - Ánh Hiền dịch


Tự do nghiên cứu khoa học được hiến pháp bảo vệ ở mức độ nào? Không có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này, vì hệ thống hiến pháp châu Âu và Bắc Mỹ quy định rất lập lờ, và vấn đề này không được thảo luận một cách sâu sắc.

Nhìn vào hiến pháp của một số nước châu Âu và Bắc Mỹ, ngay lập tức có thể nhận thấy rằng về cơ bản có hai cách thức giải quyết quyền này. Một mặt, ở Canada và ở Mỹ, hiến pháp không đưa ra những điều khoản cụ thể để bảo vệ quyền tự do nghiên cứu khoa học, dẫn đến kết cục nó được bảo vệ như một khía cạnh cụ thể của quyền lớn hơn - quyền tự do tư tưởng và biểu hiện (được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ). Mặt khác, hệ thống hiến pháp của các nước khác, chủ yếu ở châu Âu, lại công nhận rõ ràng quyền tự do nghiên cứu và giảng dạy nghệ thuật và khoa học. Ví dụ, điều 5 của hiến pháp Đức quy định rằng "nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu và giảng dạy chúng là tự do", điều 33 của hiến pháp Ý1 : "nghệ thuật và khoa học cũng như việc giảng dạy hai lãnh vực này là tự do", điều 59 của hiến pháp Slovenia: "Tự do nghiên cứu khoa học và nỗ lực làm nghệ thuật được bảo đảm".


Trong nhóm thứ hai này, trong khi một số hiến pháp hạn chế bảo vệ đối với điều khoản tự do nghiên cứu khoa học, các định luật cơ bản khác lại kéo chính phủ vào việc thúc đẩy và hỗ trợ nó. Ví dụ, theo hiến pháp Ý "Nhà nước cộng hòa có trách nhiệm thúc đẩy việc phát triển văn hóa và nghiên cứu khoa học và kỹ thuật" (điều 9), hiến pháp Tây Ban Nha quy định "các cơ quan công quyền có trách nhiệm thúc đẩy khoa học và nghiên cứu khoa học kỹ thuật vì lợi ích chung" (điều 44), hiến pháp Hy Lạp cũng có điều 16 tương tự, nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu và giảng dạy chúng được tự do, và trách nhiệm thúc đẩy quyền này là điều bắt buộc đối với nhà nước.2. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, cam kết thúc đẩy nghiên cứu thường bị đánh giá thấp trong các cuộc tranh luận hiến pháp, bởi vì vị trí tương ứng của những người được hưởng lợi từ sự thúc đẩy này không được nhìn thấy rõ ràng hoặc không thể được yêu cầu bởi những quyền chủ đạo ​​chính trị. Thế nhưng, điều này không làm suy yếu đi tầm quan trọng chính trị mà một thẩm quyền giải quyết như thế sẽ bao phủ ở mức độ hiến pháp. Ngoài ra, chúng ta không thể loại trừ một thực tế rằng trong tương lai, một quyền cơ bản như thế (tự do khoa học và nghệ thuật và việc giảng dạy chúng) sẽ trở nên quan trọng, ví dụ, khi có sự phân biệt đối xử rõ rệt.

Tóm lại, có một vài mức độ bảo vệ tự do nghiên cứu khoa học trong bức tranh toàn cảnh về hiến pháp ở châu Âu và Bắc Mỹ như sau: ở mức độ cơ bản đầu tiên, sự tự do này nhận được bảo vệ ngang nhau cho tất cả các quyền cơ bản khác trong nhóm quyền tự do tư tưởng và biểu hiện; ở mức độ thứ hai, chúng ta có thể tìm thấy một sự công nhận rõ ràng, cụ thể trong hiến pháp; và cuối cùng, ở mức độ mang tính khả dĩ thứ ba, nhà nước tham gia vào việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Quan sát đối với thực nghiệm
Những cách thức khác nhau mà hiến pháp nhìn nhận việc nghiên cứu khoa học ảnh hưởng đến cách thức giải quyết một số vấn đế cốt yếu của sự tự do nghiên cứu khoa học.
Ở các quốc gia, như ở Mỹ và Anh, nơi sự tự do nghiên cứu khoa học không được bảo vệ cụ thể bằng luật pháp, thường có cuộc tranh luận thú vị không ngừng về mối quan hệ giữa việc quan sát và thực nghiệm trong lĩnh vực khoa học. Một số lí giải rằng, việc bảo vệ quyền tự do nghiên cứu khoa học bằng điều khoản chung về quyền tự do biểu hiện (trong Đạo luật bổ túc thứ nhất, hiến pháp Mỹ) mang hàm ý hiến pháp chỉ bảo vệ những hoạt động thuộc hiện tượng quan sát tự nhiên đơn thuần và truyền bá thông tin tổng hợp, mà không cần phải tương tác với chúng. Do đó, hoạt động nghiên cứu nào mà ngụ ý phải thực nghiệm trên đối tượng (nghiên cứu di truyền học là ngành đi đầu cho hoạt động này) sẽ không được bảo vệ bởi Đạo luật bổ túc thứ nhất vì bản chất đó là hoạt động can thiệp chủ động và thực nghiệm (trên những sinh vật sống).

Ủy Ban Đạo Đức Nghiên Cứu Sinh Học Tổng Thống Mỹ tiếp nhận ý kiến này và tuyên bố, trong đoạn văn bản dành riêng cho sự tự do nghiên cứu khoa học, như sau: "hiện nay hầu hết các nghiên cứu sinh học gây tranh cãi đều liên quan đến việc thao tác thực nghiệm trên sinh vật, hơn là thăm dò lý thuyết hay chỉ quan sát các đối tượng tự nhiên. Do đó, nó nghiêng vềhành động hơn là biểu hiện, nghiêng về sáng tạo hơn là nghiên cứu”. Điều này tiếp tục khẳng định rằng một hoạt động như thế khó có thể được phân loại như một hình thức biểu hiện: “"Các nhà khoa học có thể có quyền theo đuổi kiến thức bằng bất cứ cách thức nào họ muốn nhận thức về mặt trí tuệ," một nhà quan sát tranh biện, "nhưng khi nó trở thành một hành động cụ thể trong phòng thí nghiệm - hành động trở thành hành vi và được bảo vệ bởi Đạo luật bổ túc thứ nhất – thì quyền này trở nên yếu ớt hơn nhiều.3 Mặt khác, không có tự do tuyệt đối nếu sử dụng bất kỳ loại kỹ thuật nào để tiến hành thực nghiệm nếu so với tự do của "lương tâm": "Không thể chấp nhận một cái gì đó về mặt đạo đức đơn giản chỉ vì về mặt kĩ thuật là có thể". 4

Quan điểm này có thể bị chỉ trích. Ví dụ, người ta có thể cho rằng việc phân biệt giữa quan sát và thực nghiệm, đặc biệt khi đề cập đến nghiên cứu cơ bản, là không có căn cứ về mặt khái niệm, vì không thể tiến hành nghiên cứu mà không tương tác với các đối tượng nghiên cứu, do đó phải “thao tác" nó (đang sử dụng hình ảnh ẩn dụ để gây tác động). Ngay cả việc quan sát đơn giản là một hình thức tương tác, vì vậy, xét cho cùng, cũng là một sự thao tác/kiến tạo trên đối tượng. Hơn nữa, sự tương phản giữa quan sát và thực nghiệm sẽ không đứng vững khi tiến hành kiểm chứng các sự kiện. Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, không có điểm giới hạn giữa các hoạt động suy luận và hoạt động nghiêng về thực nghiệm hơn, bởi vì công việc nghiên cứu chính nó giống như một thể liên tục: mỗi giai đoạn này bao hàm các giai đoạn khác và ngược lại. Mỗi giai đoạn của nghiên cứu khoa học bao gồm cả hai khía cạnh: lí thuyết-quan sát xác thực và thực thành-thực nghiệm bằng những tỷ lệ khác nhau theo thời gian (các ngành khoa học sinh học, ngành hóa học và các ngành khoa học khác).

Cần phải chú ý rằng không có câu trả lời pháp lý rõ ràng nào được đưa ra với cách giải thích này, mà cả hai vấn đề đều gây tranh cãi dữ dội và dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng - nghiên cứu khoa học sinh học mất đi uy tín và hoàn toàn không được bảo vệ hoàn toàn từ hiến pháp. 5Dường như, một số ngành học về hiến pháp hiện nay, thiếu một nhận thức rõ ràng về những điểm hạn chế khi phân biệt giữa quan sát – thực nghiệm và một sự khẳng định rõ ràng về quyền tự do nghiên cứu khoa học. Thực tế, tự do nghiên cứu khoa học, tự do tư tưởng và những quyền tự do xã hội có mối quan hệ liên đới hơn nhiều so với trong các văn kiện chính trị và pháp lí hiện tại có thể xem xét.

Tự do khoa học và nhân phẩm
Ở những nước mà quyền tự do nghiên cứu khoa học được bảo vệ rõ ràng bằng hiến pháp, thường nảy sinh nhiều vấn đề khác nhau ở trung tâm của cuộc tranh luận. Điểm cốt yếu là làm thế nào để cân bằng giữa tự do nghiên cứu với các quyền và sự tự do cơ bản khác, chẳng hạn như an toàn công cộng, quyền sở hữu trí tuệ và nhất là nhân phẩm. Quan điểm cân bằng giữa tự do nghiên cứu, giải phóng sinh vật biến đổi gen với an toàn công cộng là phương cách dự cách nổi lên đầu tiên. Trong cách tiếp cận này, chúng ta phải lưu tâm tới sự cần thiết làm sao đừng để cách thức thận trọng bị trượt khỏi nguyên tắc. Sự khác biệt này có tính hữu quan hơn việc nó xuất hiện và bao hàm những hậu quả quan trọng về mặt khái niệm.

Thực tế, một nguyên tắc thường không dễ dàng thương lượng và hệ quả xảy ra cao nhất là nó có tác dụng làm tê liệt sự tự do nghiên cứu. Ngược lại, nếu cho rằng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng, cần có một cách thức thận trọng, nó sẽ trở thành một giới hạn nội bộ trong hoạt động nghiên cứu, một cách thức tiến hành nghiên cứu thận trọng về mặt xã hội: trong quan điểm này, sự cân bằng là cần thiết, không gây ảnh hưởng bất lợi đối với xã hội và tự do nghiên cứu.

Một tính năng quan trọng khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, nhìn chung cũng cần được lưu tâm đặc biệt vì hiệu quả kinh tế có thể xảy ra của chúng. Cần phải nhấn mạnh rằng điểm cốt lõi thực sự của cơ chế bằng sáng chế là quyền tác giả (quyền xem các sản phẩm được công nhận là tài năng riêng). Quyền được bảo vệ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất cứ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật này được công nhận rõ ở điều 27, Tuyên ngôn phổ quát nhân quyền năm 1948: (1) mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học; (2) mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả. Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, tại New York, năm 1966, điều 15 nói rằng: (1)  Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận mọi người đều có quyền: a) Được tham gia vào đời sống văn hoá; b) Được hưởng các lợi ích của tiến bộ khoa học và các ứng dụng của nó; c) Được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật nào của  mình.

Tuy nhiên, khái niệm được sử dụng nhiều nhất để cân bằng với quyền tự do nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học sinh học là "nhân phẩm". Xuất phát điểm thú vị trong lĩnh vực này là Hiến chương các quyền cơ bản của liên minh châu Âu, trong đó điều 13 quy định rằng: "Các loại hình nghệ thuật và nghiên cứu khoa học sẽ không có mối ràng buộc nào". Các chú thích giải nghĩa của Đoàn Chủ tịch, được công nhận như là lời giải thích chính thức xác thực của toàn bộ Hiến chương, nói rằng "Quyền này trước hết được suy ra từ quyền tự do tư tưởng và ngôn luận" và rằng "Nó được thực hiện trong mối liên quan đến điều 1 [...] ". Điều khoản này có căn nguyên từ điều 1 của hiến pháp Đức, “Nhân phẩm là không thể xâm phạm. Việc tôn trọng và bảo vệ nó là trách nhiệm của tất cả cơ quan công quyền nhà nước”, và có nguyên do riêng biệt về mặt lịch sử từ trào lưu xã hội, chinh trị của nước Đức nổ ra từ thời đại chủ nghĩa phát xít.

Một khi điều này rõ ràng, chúng ta không thể không nhận thấy rằng các khái niệm về phẩm giá và nhân phẩm rất khó nắm bắt và hầu như không thể định nghĩa. 678 Trong các điều khoản pháp lý hiến pháp, câu hỏi triết học nhân phẩm là gì và nó được định nghĩa như thế nào được chuyển hóa thành như sau: Ai là người có quyền lực hoặc quyền để xác định nhân phẩm? Là nhà nước, các tổ chức chính trị đại diện, nhà thờ, nhà khoa học, bác sĩ hay ai khác? Tầm quan trọng của câu hỏi này và câu trả lời của nó liên quan chặt chẽ đến mối quan hệ giữa nhân phẩm và tự do được thiết lập như thế nào. Nếu nhân phẩm hoàn toàn bao gồm tự do (đúng hơn là nói rằng tự do được bao gồm bởi nhân phẩm), thì bất cứ người nào xác định nhân phẩm đều là người có quyền lực giới hạn tự do trên thực tế. Ngược lại, nếu chúng ta tin rằng "không có nhân phẩm nào có thể được hình thành mà không có tự do", nhân phẩm trở thành một thuộc tính quan trọng của tự do và quan điểm này hoàn toàn thay đổi. Một ý niệm nhân phẩm mâu thuẫn với tự do sẽ không thể được chấp nhận, bởi vì không có tự do con người cũng sẽ mất đi nhân phẩm của mình. Do đó, chỉ có chủ thể tự do mới là người có quyền lực xác định phẩm giá con người cho chính họ.

Từ quan điểm thứ hai này, tự do nghiên cứu khoa học trở thành quy tắc và bất cứ hạn chế có thể xảy ra nào cũng cần được tranh luận mạnh mẽ và cụ thể hơn so với trường hợp đối với nhân phẩm. Một hạn chế hợp lí về tự do nghiên cứu có thể được tìm thấy trong nguyên tắc là "không làm hại người khác". Nguyên tắc này "đòi hỏi quyền được tự do tiến hành theo ý thích và theo đuổi nó; được xây dựng kế hoạch cuộc sống sao cho phù hợp với tính cách mỗi người; được làm điều mình thích, chịu những hậu quả có thể xảy ra; mà không bị cản trở từ những người đồng đẳng, miễn là những gì chúng ta làm không gây hại cho họ dù cho họ có nghĩ rằng hành vi của chúng ta là ngu ngốc, ngoan cố, hoặc sai lầm”. 9 Tuy nhiên, nguyên tắc không làm tổn thương người khác không giải quyết mọi vấn đề khi có vấn đề khác nảy sinh, chẳng hạn như ở trường hợp Trung Quốc: "những người khác là ai?" và "sự tổn hại được xác định như thế nào?".

Cuối cùng, vấn đề ai là người có quyền lực xác định nhân phẩm trở nên phức tạp hơn khi các cơ quan quyền lực, hoạt động như những tổ chức độc quyền về nhân cách, phản đối việc nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực quan trọng (chủ yếu là nghiên cứu tế bào gốc phôi thai) và các xác quyết tự thân của cá nhân trong các vấn đề về sự sống và cái chết. Sự chuyển đổi cán cân từ các quyền cá nhân sang quyền lực của các tổ chức gây ra những hậu quả quan trọng về mặt khái niệm và mức độ pháp lí.

Những quyền nổi lên từ những sai lầm và một học thuyết sai lầm
Từ góc nhìn lịch sự, những điều khoản bảo vệ quyền tự do nghiên cứu quy định rõ ràng trong hiến pháp ở một số nước châu Âu được xem như một một ví dụ điển hình của “những quyền nổi lên từ các sai lầm” 10 của chủ nghĩa phát xít suốt chiến tranh thế giới thứ hai. Theo quan điểm của Dershowitz10, cần thiết phải xác định chính xác các sai lầm khiến cho xã hội phải khẳng định sự tự do hay một quyền nào đó. Đối với trường hợp của tự do nghiên cứu khoa học, sai lầm này có thể được xác định rõ trong các cuộc thử nghiệm ở trại tập trung được thực hiện bởi các bác sĩ Đức Quốc xã và trong thuyết ưu sinh. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải chính xác về điểm này và hiểu điều gì đã khiến ưu sinh học không được chấp nhận, dù bất cứ ai đã đề xướng nó. 11 Điều không thể chấp nhận trong thuyết ưu sinh không phải xuất phát từ thực tế nó là một chính sách y tế công cộng, vì một chiến dịch ngăn chặn bệnh thiếu máu ở quy mô lớn cũng được xem là một chính sách sức khỏe cộng cộng vậy. Nhưng ưu sinh học là một cái gì đó nhiều hơn thế. Đó là một chính sách y tế công cộng cưỡng chế. Loại bỏ một trong các thuật ngữ này, sẽ không thể hiểu chính xác những điểm then chốt và nền tảng thực sự về những quyền và tự do như trường hợp của công dân châu Âu. Đồng thời, sẽ không thể hiểu chính xác sai lầm nào không được lặp lại: trong trường hợp của thuyết ưu sinh, đó là sự xâm phạm cưỡng bách vào sự toàn vẹn cá nhân của nữ giới và nam giới.

Gần đây, một số học giả bắt đầu nói về một mối nguy hiểm mới hoặc sai lầm, được gọi là thuyết ưu sinh mới, hy vọng sẽ dự kiến nó như những phương pháp trị liệu nhất định đang được sử dụng trong khoa học những năm gần đây (ví dụ, lựa chọn giới tính v.v..), và các cá nhân sẽ tận dụng nó dưới áp lực của thời trang hay tiếp thị, một hình thức của thuyết ưu sinh thậm chí còn nghiêm trọng hơn nữa. Thực tế, dường như rằng sự sợ hãi về thuyết ưu sinh mới này giống như một sự chỉ trích một số thái độ tâm lý đương đại và thiếu các yếu tố đặc trưng tiêu cực của thuyết ưu sinh cũ: là một chính sách cưỡng chế của nhà nước. Có một nghịch lý rằng: thuyết ưu sinh mới nhằm bảo vệ các cá nhân khỏi bị áp chế bởi các mô thức xã hội được cho là áp đặt, nhưng kết cục lại làm cơ sở pháp lí, ví dụ, cho luật hỗ trợ sinh sản ở Ý, quy định cách thức đã được công nhận là đúng luật buộc người dân phải sinh sản, với những chế tài nghiêm trọng. Bằng cách này, phe đối lập với thuyết ưu sinh mới (và các lựa chọn liên quan đến cá nhân) chuyển hướng đến quy định pháp luật về thuyết ưu sinh cũ dựa trên giả thiết phản tự do rằng chỉ có nhà nước biết điều gì đúng cho công dân trong cuộc sống riêng tư của họ và trong cơ thể của họ.

Rõ ràng rằng khoa học và pháp luật không có cùng một mối quan hệ tương hỗ, cùng một vị trí trong xã hội ở tất cả các quốc gia và thực thể địa lý, nhưng những vấn đề nền tảng mà chúng ta tự truy vấn mang tính phổ quát. Khi xem xét kĩ hơn, thật sự, báo cáo của Ủy ban Tổng thống Mỹ như đã đề cập trên đưa ra những nguyên tắc không khác gì so với đạo luật mới về sinh sản hỗ trợ ở Ý. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, báo cáo của Mỹ nhắm tới việc quy định liệu có nên và những nghiên cứu cụ thể ở mức độ nào mới được chính phủ tài trợ, vì vậy không giới hạn khả năng của các công dân tài trợ nghiên cứu, trong khi đó tại Ý, bất cứ điều gì không được pháp luật cho phép rõ ràng đều bị cấm kèm theo xử phạt. Có một sự khác biệt lớn giữa việc thiếu ngân sách nhà nước nào cho cái gì được coi là không xứng đáng, và việc phạm tội nó.

Tóm lại, chúng tôi tin rằng sự tự do khoa học xứng đáng được xem xét sâu hơn trong hiến pháp để thực hiện đầy đủ các hoạt động nền tảng cho sự phát triển hệ thống dân chủ của chúng ta. Và chúng tôi cũng muốn đến gần hơn sự khơi gợi nền tảng của Mạng lưới về khoa học đời sống, sức khỏe và tòa án ở châu Âu (www.unipv.it/enlsc), rằng: “" Chống lại khoa học thì cũng phản khoa học không kém gì ủng hộ khoa học một cách mù quáng.”
Chú thích:
iQuốc hội lập hiến Ý đã tiến hành thảo luận có nên giới thiệu một điều khoản rõ ràng về việc bảo vệ quyền tự do nghiên cứu khoa học. Một số chỉ trích về khả năng dành riêng hẳn một phần trong bản hiến pháp cho sự tự do về văn hóa và tư tưởng, được xem là khác biệt so với các quyền hiến pháp truyền thống. Số khác thì nghi ngờ có cần phải quá xem trọng một hoạt động mà vốn dĩ tự nó đã là tự do, làm vậy chỉ càng giảm đi giá trị riêng của nó.
Cuối cùng, vì tầm quan trọng của việc giải phóng cộng đồng xã hội khỏi sự chi phối văn hóa phát xít đang chiếm ưu thế, điều 33 của Hiến pháp Ý đã được giới thiệu, bảo vệ quyền được tự do làm nghệ thuật và khoa học và việc giảng dạy chúng như một phương tiện đảm bảo sự phát triển văn hóa và tinh thần của con người. Thông tin thêm về các cuộc tranh luận đã diễn ra tại Assemblea Costituente, có thể xem tại Chieffi. 1
Ví dụ, trong đạo luật hỗ trợ sinh sản của Ý hiện tại (luật số 40/2004), tại điều 1, quyền này được giới thiệu như sau, kết quả của sự thụ tinh có những quyền giống nhau như các đối tượng khác tham gia vào quá trình sinh nở, để nâng cao phẩm gía của bên thứ ba .
Lợi ích cạnh tranh: Không có.
Tham khảo:
1. Chieffi L. Ricercak scientifica e tutela della persona. Napoli: Edizioni Scientifiche Italiane, 1993. 28
2. Comba M E. Diritti e Confini. Dalle costituzioni nazionali alla Carta di Nizza.Torino: Edizioni Comunità, 2002
3. The President's Council on Bioethics The monitoring of stem cell research. A Report. Washington, DC, 2004. http://www.bioethics.gov (accessed 16 Mar 2007)
4. Congregazione per la Dottrina e la Fede Donum Vitae, Introduction, n 4, quotation from Roberto Colombo in L'Osservatore Romano, Weekly Edition in English, 1 October 2003. 9
5. McDonald P B. Government regulation or other “abridgements” of scientific research: the proper scope of judicial review under the First 
5. McDonald P B. Government regulation or other “abridgements” of scientific research: the proper scope of judicial review under the First Amendment. Emory Law 2005. 54979–1091.1091
6. Caulfield T, Chapman A. Human dignity as a criterion for science policy. PLoS Med 2005. 2e244 [PMC free article] [PubMed]
7. Caulfield T. Human cloning laws, human dignity and the poverty of the policymaking dialogue. BMC Medical Ethics 2003. 43[PMC free article] [PubMed]
8. Caulfield T, Brownsword R. Human dignity: a guide to policy making in the biotechnology era? Nat Rev Genet 2006. 772–76.76 [PubMed]
9. Mill J S. On liberty. Oxford: Clarendon, 1985: chapter 1
10. Dershowitz A. Rights from wrongs—una teoria laica dell'origine dei diritti. Torino: Codice, 2005
11. Santosuosso A. Corpo e libertà. Una storia tra diritto e scienzaMilano: Raffaello Cortina Editore, 2001. 97–137.137

Bản dịch tại Sài Gòn, 1/9/2014
Nguồn: http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2598288/



© 2014 Bản tiếng Việt Tạp chí Phía Trước


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét