Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Hôn nhân





Vicki Covington - Ánh Hiền dịch


Đôi nét về tác giả

Vicki Ann Marsh Covington (22 tháng 10 năm 1952) sinh ra và lớn lên tại Birmingham, Alabama, Hoa Kỳ, là một tiểu thuyết gia nổi tiếng của miền Nam Hoa Kì. Các tác phẩm chính bao gồm, Về dưới mái nhà/ Gathering Home (1988) , Chim thiên đường/ Bird of Paradise (1990), Chuyến đêm về nhà/ Night Ride Home (1992), và Nhà trọ cuối cho đàn bà/ The Last Hotel for Women) (1996).
Vicki Covington chuyên viết truyện ngắn, tiểu thuyết và thể loại phi-hư cấu, kể cả tự truyện. Tác phẩm hư cấu của bà thường xoay các đề tài về gia đình và cộng đồng ở Alabama – quê hương của bà. Các tác phẩm phi hư cấu thì thường biểu lộ những quan điểm cá nhân rất thẳng thắn, bao gồm Cleaving: The Story of a Marriage/Cleaving: câu chuyện về một hôn nhân (1999), đồng tác giả với chồng mình Dennis Covington, tác phẩm được The Library Journal bình chọn là cuốn sách hay nhất trong năm 1999 và tập tiểu luận Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than/Women in a Man's World, Crying (2002).
------------------------

Bố mẹ tôi kỉ niệm 50 năm ngày cưới vào năm 1994. Họ lấy nhau vào 1944, thời chinh chiến. Trong bức hình, bố mặc đồ hải quân, mẹ cài hoa trên tóc. Miệng bà hé mở như thể sẵn sàng nói, người khựng lại, trong trắng và thơ ngây, ở tuổi 21.

Tôi kết hôn vào năm 1977, ngay phòng khách của cha mẹ mình. Cho đến lúc đó, con số thống kê xem ra đã ảm đạm. Chúng tôi biết rằng chúng tôi có năm mươi-năm mươi cơ hội sống sót như là một cặp. Dennis đã từng một lần kết hôn. Chúng tôi chống đối tất thảy ý tưởng về lời cam kết trọn đời bên nhau và những hình mẫu về người chồng/vợ mà các cuộc hôn nhân thường hay ngầm chứa. Chúng tôi không gửi đi tấm thiệp mời nào. Tôi không có trà cô dâu. Tôi tự mua cho mình một chiếc nhẫn ở Golbro giá 14 đô la. Cùng viết những lời thề nguyện riêng nhưng tuyệt đối không hứa hẹn với nhau bất cứ điều gì.


Ba năm sau, tôi tìm đến văn phòng của một bác sĩ tâm lí. Phòng chờ có sẵn một chồng sách báo dùng để đọc. Bỗng nhiên, một cách mãnh liệt tôi nhớ lại câu chuyện trên trang bìa của tạp chí Time đã đọc trước đó, “Tính dục ở thập niên 80: Cuộc cách mạng đã qua.” Tôi nhớ những suy nghĩ đến bản thân mình, rồi tự hỏi tại sao tôi ở đây? Chắc chắn rằng nó vẫn chưa qua. Tôi cảm thấy trống rỗng, cằn cỗi, như thể cuộc đời và cuộc hôn nhân của tôi - cuộc đời và cuộc hôn nhân của những người bạn tôi - không có sự bền vững hay điều gì ý nghĩa.

Tôi có viết một truyện ngắn về khoảng thời gian này với nhan đề “Lên 21 tuổi ở Tokyo.” Đó là lời than vãn của một cô gái khi tin rằng cuộc hôn nhân của cô không thể sánh được với ba mẹ mình.

Có lẽ đó là mẩu chuyện hư cấu mang tính tự truyện nhất mà tôi đã từng viết.
Nhiều chuyện đã xảy ra từ sau đó. Cuộc hôn nhân của tôi vẫn không chết đi. Tôi không làm mất chiếc nhẫn cưới 14 đô la của mình. Đám cưới tối giản nhất trong lịch sử đã sản sinh một tình yêu đơm hoa kết trái. Tôi là người đàn bà may mắn.

Trong cái tuần bố mẹ tôi ăn mừng 50 năm ngày cưới, có một câu chuyện trên trang nhất tạp chí Time được đặt với tiêu đề là “Tính dục ở Mỹ”. Bài viết không chỉ nói về sự kết thúc của cuộc cách mạng tính dục mà còn đưa ra những kết quả nghiên cứu đầy mới mẻ được thực hiện bởi Laumann, Michael, Michaels từ đại học Chicago, chỉ ra rằng 83% người Mỹ theo chế độ một vợ một chồng, những cặp vợ chồng có đời sống tính dục rất phong phú và sung mãn, đối với họ dan díu chỉ là trường hợp ngoại lệ thay cho quy tắc.

Kết quả khảo sát hẳn không gây ngạc nhiên cho bất cứ người nào, khi mà hầu như tất thảy mọi thứ xảy ra ở Mĩ đều liên quan trực tiếp đến thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh [1] trong chu kì sống của mình. Chóp cao của thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh hiện ở tuổi khoảng 45 và có cuộc sống ổn định suốt giai đoạn này.
Mặc dù, có thể tìm thấy niềm an ủi chắc chắn, sự nhẹ nhõm và khúc quanh hài lòng đối với tin tức có thể dự đoán trước như thế. Đôi khi, không nhất thiết phải nghi vấn đến kết quả thăm dò nào đó làm gì. Chỉ cần tận hưởng nó. Dầu sao, đây cũng là một trong những giai đoạn – dành cho tôi.

Thật vui khi biết rằng những người kết hôn đang hạnh phúc. Tôi vừa hỏi một nhóm bạn rằng, đã bao giờ đến một nơi hoá ra lại tốt hơn nơi họ đã từng tưởng tượng chưa. Hầu hết đều nói, không, và rằng, cuối cùng, những điểm như Anh, Key West, Alaska, đá ngầm san hô, là những chốn họ ao ước. Có một vài cá biệt khác số đông là muốn đến núi Rockies và rừng quốc gia Grand Tetons. Với tôi, thành thật mà nói, chỉ có một nơi hơn những gì tôi đã từng mơ đến, đó là chốn hôn nhân.

Vì vậy, tôi uống mừng cho món quà mà kết quả nghiên cứu mới về tính dục của đại học Chicago đã mang lại cho hôn nhân, trước khi các nhà phê bình bắt tay vào việc mổ xẻ. Tôi nâng li chúc mừng cho những lời của Garrison Keillor, rằng “mặc dù công việc và nghề nghiệp có xâm thực khoảng thời gian tối và những ngày cuối tuần, bọn trẻ có quấn lấy từng bước chân, và mặc dù phải nấu cho xong bữa, hút cho hết bụi ở các tấm thảm và trả những hoá đơn, các cặp đôi vẫn đều đặn tìm đến nhau trong sự hồ hởi, đam mê, quẩy tung quần áo một góc phòng để cuồng nhiệt trong đêm đen.”

Và vào năm 1994, tôi mừng cho bố mẹ mình, Jact và Katherine Marsh, một cuộc hồi nhân dài 50 năm tuổi. Họ thức dậy cùng nhau vào buổi sáng hôm ấy, 28 tháng 10, 1994, riêng chỉ hai người, trên bờ biển vắng. Tôi không biết họ đã làm gì vào buổi sáng hôm đó. Chỉ biết có cái gì đó thật đơn giản: cà phê, thánh ca và buổi đi dạo chậm rãi trên cát. Tôi biết bước chân họ trên cát trông thế nào, và mường tượng đến bước chân mình, khi dõi theo chúng.

Bố mẹ tôi qua đời bốn năm sau đó, cách nhau 5 tháng. Cuộc hôn nhân của tôi tự nó cũng đấu tranh tìm một lối đi để vượt qua điều này và những nỗi đau buồn khác. Nhưng, bạn mẹ tôi, cô Jacque Pittman có chụp lại bức hình ba mẹ tôi đang rời đi, hướng về mặt trời lặn. Giờ nó luôn ở bên tôi, trên bàn làm việc, nơi tôi viết, nơi tôi tán thưởng tình yêu.



Chú thích:

[1] Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (baby-boomers) là thế hệ gồm những người sinh ra sau thế chiến thứ 2  ở Mỹ từ năm 1946 đến 1964. Có khoảng 76 triệu trẻ em ra đời trong thời gian đó. Những người thuộc thế hệ này thường có những khác biệt với thế hệ trước đó về quan điểm, đời sống và văn hoá.  Đây là thế hệ được xem là giàu có nhất và đầy đủ sức khỏe nhất.

Trích trong Tập tiểu luận: “Đàn bà trong một thế giới của đàn ông, khóc than” của Vicki Covington, Ấn quán Đại học Alabama xuất bản, 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét