Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Thiên sứ nhạc Jazz
Haruki Murakami -
Thời báo New York
Ánh Hiền dịch
Haruki Murakami ở quán nhạc Jazz của mình,  Peter Cat, ở Sendagaya, Tokyo, năm 1978

Chưa bao giờ tôi có ý định trở thành một tiểu thuyết gia – ít nhất vẫn chưa cho đến khi bước sang tuổi 29. Sự thật hoàn toàn là thế.
Tôi đọc nhiều tiểu thuyết khi mình còn bé, đắm chìm vào thế giới của những trang sách ấy đến độ nếu nói rằng chưa bao giờ cảm thấy thích viết điều gì đó, chỉ là lời nói dối. Nhưng thực sự chưa bao giờ tôi tin rằng mình có tài năng viết tiểu thuyết. Ở tuổi niên thiếu, tôi yêu mến các nhà văn như Dostoyevsky, Kafka và Balzac, nhưng không bao giờ tưởng tượng được rằng mình có thể viết bất cứ cái gì có thể sánh với những tác phẩm họ đã để lại. Vì thế, từ thời thơ ấu, tôi đã hoàn toàn từ bỏ hy vọng việc viết tiểu thuyết của mình. Tôi chỉ tiếp tục đọc sách như một thói quen và quyết định tìm phương cách khác để kiếm sống.


Lĩnh vực chuyên môn tôi chọn là âm nhạc. Tôi làm việc chăm chỉ, tiết kiệm tiền, vay mượn rất nhiều từ bạn bè và họ hàng để mở một câu lạc bộ jazz nhỏ tại Tokyo ngay sau khi rời đại học. Chúng tôi phục vụ cà phê vào ban ngày, thức uống vào ban đêm. Ngoài ra, còn phục vụ thêm một số món ăn đơn giản khác. Chúng tôi mở nhạc suốt ngày, vào cuối tuần thì có các nhạc sĩ trẻ đến chơi nhạc sống. Tôi duy trì điều này bảy năm. Tại sao? Chỉ với một lý do đơn giản: Nó cho tôi cơ hội có thể nghe jazz từ sáng đến tối.

Cuộc chạm trán đầu tiên của tôi với jazz là vào năm 1964 khi tôi 15 tuổi. Tay trống Art Blakey cùng ban nhạc Jazz Messengers đến biểu diễn tại Kobe vào tháng Giêng năm đó, và tôi có một vé nhân dịp sinh nhật mình. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe jazz thực sự, và nó khiến tôi sửng sốt. Như thể bị sét đánh. Ban nhạc quả là tuyệt vời: Wayne Shorter chơi saxophone tenor, Freddie Hubbard chơi trumpet, Curtis Fuller chơi trombone và thủ lãnh Art Blakey với tiếng trống rắn rỏi khơi dậy trí tưởng tượng. Đó là một trong những ban nhạc mạnh nhất trong lịch sử nhạc jazz, tôi nghĩ vậy. Chưa bao giờ tôi được nghe một thứ âm nhạc tuyệt vời đến thế, tôi hoàn toàn bị Jazz cám dỗ.

Một năm trước ở Boston, khi dùng bữa tối với nghệ sĩ dương cầm nhạc jazz người Panama Danilo Pérez, tôi kể cho anh ta câu chuyện này, Danilo Pérez liền rút điện thoại ra và hỏi: "Cậu có muốn nói chuyện với Wayne không, Haruki?" "Tất nhiên rồi," tôi trả lời, và nín thinh. Danilo Pérez gọi Wayne Shorter ở Florida và đưa điện thoại cho tôi. Đại khái, tôi nói là tôi chưa bao giờ được nghe một thứ âm nhạc tuyệt vời như thế trước đó cả. Cuộc sống thật kỳ lạ, bạn không bao giờ biết những gì sẽ xảy ra. Giờ tôi đang ở đây, 42 năm sau, viết tiểu thuyết, sống ở Boston và nói chuyện với Wayne Shorter bằng điện thoại di động. Thật không bao giờ có thể tưởng tượng nổi.
Khi bước sang tuổi 29, đột nhiên không biết từ đâu tôi có cảm giác muốn viết một cuốn tiểu thuyết – tôi nghĩ mình có thể làm được. Dĩ nhiên, tôi không thể viết cái gì đó có thể sánh với Dostoyevsky hay Balzac, và tbảo với bản thân điều đó cũng chẳng quan trọng. Tôi không buộc bản thân phải trở thành một người khổng lồ trong văn chương. Dù thế, tôi vẫn không biết nên viết tiểu thuyết như thế nào hoặc viết về cái gì. Xét cho cùng, tôi không có một tí kinh nghiệm nào, không có sẵn một phong cách riêng cho mình. Lại không quen ai có thể chỉ bảo mình, thậm chí bạn bè có thể nói chuyện về văn chương cũng không. Suy nghĩ duy nhất của tôi vào thời điểm đó là sẽ thật tuyệt vời nếu tôi có thể viết như chơi một nhạc cụ.

Tôi từng tập dương cầm khi còn bé, có thể đọc được nhạc để chơi một giai điệu đơn giản, nhưng lại không có các kỹ năng cần thiết để trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tuy thế, tôi luôn cảm thấy như thể có một cái gì đó như thể chất nhạc riêng của tôi đang cuộn thành những con sóng tràn đầy mạnh mẽ trong đầu mình. Rồi tự hỏi liệu mình có thể để chuyển thứ âm nhạc này vào tác phẩm không. Văn phong của tôi đã hình thành như thế.

Dù là âm nhạc hay tiểu thuyết hư cấu, điều cơ bản nhất là nhịp điệu. Bạn cần phải có nhịp điệu hay, tự nhiên, đều đặn trong phong cách của mình, nếu không mọi người sẽ không đọc tiếp nữa. Tôi đã học được tầm quan trọng của nhịp điệu t âm nhạc - chủ yếu là tjazz. Tiếp theo là giai điệu - trong đó, với văn học, đó là sự sắp xếp từ ngữ sao cho phù hợp với nhịp điệu. Nếu con đường được lát bằng các từ ngữ cùng với những nhịp điệu mượt mà và đẹp đẽ, bạn không cần phải đòi hỏi gì thêm nữa. Tiếp đến là sự hài hòa - những thanh âm tinh thần nằm bên trong hỗ trợ cho từ ngữ. Rồi đến phần tôi thích nhất: ngẫu hứng tự do. Thông qua kênh đặc biệt nào đó, câu chuyện tuôn trào tự do từ bên trong. Tất cả những gì tôi phải làm là đưa nó vào dòng chảy. Cuối cùng và có lẽ là điều quan trọng nhất: một trải nghiệm lâng lâng khi hoàn tất một tác phẩm – giống như khi kết thúc "buổi biểu diễn", đến được một nơi mới mẻ và ý nghĩa. Nếu mọi chuyện diễn tiến suôn sẻ, bạn có thể chia sẻ cảm giác lâng lâng ấy với độc giả của mình. Đó là đỉnh cao tuyệt vời nhất bạn có thể đạt được chỉ với cách thức này.

Do đó, mọi điều tôi biết về văn phong, tất cả đều học được từ âm nhạc. Có vẻ nghịch lý khi nói vậy, nhưng nếu không bị ám ảnh bởi âm nhạc, có lẽ tôi đã không trở thành tiểu thuyết gia. Ngay cả bây giờ, gần 30 năm sau, tôi vẫn tiếp tục học hỏi được rất nhiều về cách viết tiểu thuyết từ âm nhạc. Phong cách của tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các điệp khúc tự do của Charlie Parker, được xem như tác phẩm văn xuôi mềm mại tao nhã của F. Scott Fitzgerald. Và tôi vẫn xem âm sắc tự đổi mới liên tục trong âm nhạc của Miles David như một mô hình văn học.
Một trong những nghệ sĩ dương cầm nhạc jazz yêu thích của tôi cho đến bây giờ là Thelonious Monk. Một lần, khi được hỏi làm thế nào để đưa một âm thanh đặc biệt nào đó ra khỏi dương cầm, Monk chỉ vào bàn phím và nói: "Không có nốt nào mới ở đây cả. Khi bạn nhìn vào bàn phím, tất cả các nốt đều ở đó rồi. Nhưng khi bạn chủ tâm hướng về một nốt nào đấy, nó sẽ tạo ra âm thanh khác nhau. Bạn phải chọn nốt nào thực sự bạn muốn!"

Tôi thường nhớ lại những lời này khi đang viết tiểu thuyết, và tự nghĩ là, “Đúng rồi. Không có từ nào mới ở đây cả. Công việc của chúng ta là tạo nên một ý nghĩa mới, những âm bội đặc biệt cho những từ hoàn toàn bình thường”. Và tôi thấy an tâm. Có nghĩa rằng, vẫn có những miền trải dài rộng lớn, bí ẩn đang ở trước chúng ta, những vùng đất màu mỡ đang chờ chúng ta vun xới.
(Tiểu luận này được dịch sang tiếng Anh bởi Jay Rubin)
Bản dịch tại Sài Gòn, 4/9/2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét