Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Tại sao phía Nhật Bản không yêu cầu ông Obama xin lỗi – Lý do thật sự là gì?


Ánh Hiền tổng hợp

Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, tổng thống Obama tiếp tục đến Nhật Bản để tham dự G7 vào trưa ngày 25/7. Điểm chú ý trong chuyến đi lần này của Obama là chuyến thăm Hiroshima vào ngày 27/5, cũng là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị một tổng thống của Hoa Kỳ đến Hiroshima – nơi hơn 70 năm trước Mỹ đã ném bom nguyên tử dẫn đến 140.000 người dân Hiroshima đã chết cũng như bởi hậu quả của nó.

Trong một cuộc khảo sát do tờ báo Asahi Shimbun được thực hiện gần đây, 90% những người sống sót trong vụ đánh bom nguyên tử ở Nhật đánh giá cao chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Hiroshima và khoảng hai phần ba trong số họ không yêu cầu phía Mỹ phải xin lỗi.




Tổng thống Obama ôm ông Sigeaki Mori – một trong những nạn nhân còn sống sót – trong cuộc viếng thăm Công viên tưởng niệm Hiroshima ngày 27/5 (Ảnh: Okinawa Times)

"Việc quan trọng là thúc đẩy toàn cẩu tránh khỏi vũ khí hạt nhân bằng cách làm sao cho ông Obama nhận ra sự khủng khiếp của bom nguyên tử, hơn là tìm kiếm lời xin lỗi từ ông ấy," Kunihiko Iida, 73 tuổi, một trong những người trả lời cuộc khảo sát cho biết.

Lý do Nhật Bản không yêu cầu ông Obama xin lỗi
Hai phần ba trong số nạn nhân không yêu cầu xin lỗi. Trước chuyến thăm đến Nhật của Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố: “không yêu cầu Mỹ xin lỗi”. Vậy lý do thực sự là gì?

Căn cứ theo Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951, các vấn đề liên quan đến quyền yêu cầu mà 48 nước ví dụ như là Mỹ đưa ra đối với Nhật Bản đã được giải quyết, phía Nhật Bản cũng đã từ bỏ tất cả quyền yêu cầu đối với quân Đồng minh. Quyền yêu cầu mà Nhật đã từ bỏ được xem như là yêu cầu về mặt pháp lý, chẳng hạn như bồi thường tiền cho những thiệt hại và đau khổ đã gây ra bởi chiến tranh. Bộ Ngoại giao Nhật từng giải thích rằng việc có yêu cầu Mỹ xin lỗi hay không không có mối quan hệ trực tiếp nào với việc này. Thế nhưng, vào thời điểm năm 1994, trước câu hỏi liệu có ý muốn yêu cầu Mỹ xin lỗi hay không, Thủ tướng Tomiichi Murayama đã trả lời trước quốc hội rằng: “vấn đề đã được giải quyết bằng hiệp ước hòa bình”. Câu trả lời này nói rõ lên rằng việc không yêu cầu Mỹ xin lỗi là do bản hiệp ước hòa bình.


Thủ tưởng Nhật Bản Shigeru Yoshida ký hiệp ước hòa bình San Francisco (Ảnh: The Yomiuri Shimbun)

Trong khi quan điểm cho rằng việc thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki là vi phạm pháp luật quốc tế đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người, xét về mặt bối cảnh thời bấy giờ, việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn chưa được xem là vi phạm luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế khi còn trong giai đoạn chiến tranh (Công ước Hague) không có quy định cụ thể việc sử dụng bom nguyên tử là bất hợp pháp. Thậm chí đến tận bây givẫn chưa có điều ước làm rõ điểm này mà chỉ có các điều khoản như việc sử dụng vũ khí gây ra sự đau khổ không cần thiết.

Năm 1963, trong phiên tòa xử các nạn nhân trong hai cuộc thả bom yêu cầu chính phủ Nhật Bản phải trả tin cấp dưỡng, chính phủ Nhật Bản chủ trương: “việc sử dụng bom nguyên tử đã làm cho Nhật Bản đầu hàng sớm, giúp ngăn chặn việc gây thương tích và giết chết sinh mạng của các bên tham chiến nếu cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn”.  Ngay sau khi thả bom nguyên tử, Tổng thống Truman cũng phát biểu: việc sử dụng bom nguyên tử là để chấm dứt sớm chiến tranh và cứu nhiều binh sĩ Mỹ.

Năm 1991, trong một cuộc họp báo, thứ trưởng bộ ngoại giao Nhật Bản Hisashi Owaa đã phát biểu:“Xét một cách toàn diện về thông lệ quốc gia, và những học thuyết đương thời, việc cho rằng vi phạm luật quốc tế là một điều vô cùng khó khăn”.


Việc không đòi Mỹ yêu cầu xin lỗi sẽ gây nên ấn tượng mạnh về phẩm cách cao quý của nước Nhật
Trong cuộc một cuộc phỏng vấn của tờ báo Asahi Shimbun đối với nhà văn Nanami Shiono về vấn đề này, bà Shiono đã trả lời rất ấn tượng rằng:

Nhà văn Nanami Shiono  (Ảnh: Asahi Shimbun)

“Việc phía Nhật Bản không yêu cầu xin lỗi theo tôi là điều rất tốt. Nếu chào đón tổng thống trong yên tĩnh và không đòi hỏi Hoa Kỳ phải xin lỗi, chắn chắn sẽ tạo nên ấn tượng mạnh về phẩm cách cao quý của Nhật Bản hơn là việc cao giọng lớn tiếng đòi phải xin lỗi. Xét về mặt lịch sử, có không biết bao nhiêu trường hợp đã nói lên rằng: “một nhân vật ghé thăm nơi nào đó với ý đồ ranh mãnh kết cục lại mang kết quả tốt cho quần chúng  thế giới hơn là kẻ cứ đâm đầu vào đó do thiện ý. Ví dụ điển hình cho nhân vật này là Odyssey trong Hy Lạp cổ đại. Ông ta đã tạo nên một chú ngựa gỗ khủng lồ bên trong chứa binh lính Hy Lạp và gửi đến thành Troia, cuối cùng đã mang về chiến thắng cho Hy Lạp chấm dứt cuộc chiến kéo dài trong 10 năm trời.”           

70 năm đã trôi qua, từ mối quan hệ kẻ thù Nhật Bản và Hoa Kỳ giờ đây đã trở thành đồng minh vững chắc lẫn nhau. Chuyến thăm lịch sử đến Hiroshima của tổng thống Obama được cho là để củng cố thêm mối liên minh ngày càng vững mạnh của Nhật và Mỹ. Với nhiều người sống sót sau 2 trận thả bom nguyên tử vào năm 1945, họ đơn giản chỉ hy vọng rằng chuyến thăm này sẽ góp phần vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ để đảm bảo rằng: "những sai lầm" ở Hiroshima sẽ không bao giờ được lặp đi lặp lại, bất cứ ai đã gây ra nó.

Bài được đăng trên Dân Luận: https://www.danluan.org/tin-tuc/20160530/tai-sao-phia-nhat-ban-khong-yeu-cau-ong-obama-xin-loi-ly-do-that-su-la-gi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét