Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Ninja rốt cuộc là người thế nào? Tìm hiểu về nhiệm vụ và sứ mệnh của Ninja trong thời Chiến quốc

Ninja (Hán tự là Nhẫn giả 忍者) hay Shinobi là danh xưng chỉ cá nhân hoặc tổ chức đánh thuê hoạt động bí mật trong lịch sử Nhật Bản. Mặc đồ đen, vượt qua những bức tường cao bằng sức mạnh thể chất siêu phàm, và khi kẻ thù đến, chiến đấu, ném phi tiêu và biến mất. Có lẽ khi nghe nói đến từ Ninja, nhiều bạn sẽ hình dung như thế này.

Thực ra, cái tên "Ninja" chỉ bắt nguồn từ cuối những năm 1950, khi các tiểu thuyết lịch sử, manga và phim trở nên phổ biến trong đại chúng. Ngày xưa, những cá nhân, tổ chức hoạt động bí mật như thế được gọi là "Rappa" và "Suppa", và phổ biến nhất là “Shinobi (忍び)". Vì nhiệm vụ của Ninja là sử dụng các bí thuật để thực hiện các hành động bí mật, nên không có nhiều các tư liệu lịch sử mô tả về nó. Trong những năm gần đây, khi nghiên cứu về Ninja đã có nhiều tiến triển, tấm màn bí ẩn che đậy diện mạo thực sự đó đã dần được hé mở.

Tìm về làng Iga và Koga để nghiên cứu về Ninja

Có hai đầu mối để nghiên cứu về Ninja là làng Iga (thành phố Iga, tỉnh Mie) và Koka (thành phố Koka, tỉnh Shiga). Iga nằm ở phía tây bắc của tỉnh Mie, và Koka nằm ở cuối phía nam của tỉnh Shiga, tiếp giáp với nhau qua một ngọn núi. 

Kể từ năm 2012, đại học quốc lập Mie ở thành phố Tsu, nơi tiếp giáp với phía đông của thành phố Iga, đã nghiên cứu toàn diện về Ninja ở Iga." Yuji Yamada, một giáo sư của Khoa Nhân văn học của đại học cho biết, "hầu hết các cuốn sách viết về Ninja đều nhắc đến hai đầu mối là Iga và Koga. Do đó, trước hết phải khám phá hai ngôi làng này để biết Ninja."

Nhiều người tin rằng, Ninja được hình thành từ việc thuê người dân địa phương trong thời Chiến quốc. Tuy nhiên, theo giáo sư Yamada, Ninja ở làng Koka được thành lập từ những cư dân chống lại chế độ tư hữu đất đai (manorialism) của các lãnh chúa. Những cư dân này đã tổ chức một cuộc nổi loạn và thành lập một tổ chức tự trị tại làng Koka.

Còn các Ninja ở làng Iga Nin thì được thành lập xuất phát từ một nhóm băng đảng được sinh ra từ các cuộc chiến tranh giành đất đai. Hai ngôi làng này gần Kyoto, nên rất dễ dàng để có được những thông tin mới nhất về Kyoto. Về mặt địa hình, nó được bao bọc bởi các dãy núi nên thông tin bên trong ít bị rò rỉ ra ngoài, rất thích hợp cho các hoạt động gián điệp, tình báo. Cuộc sống khắc nghiệt trên núi cũng là môi trường tốt để tôi luyện cơ thể trở thành một Ninja. Ngoài ra, sự kiểm soát của các daimyo ở các địa phương lúc này còn yếu kém, dẫn tới nhiều tổ chức tự trị được ra đời.

Trong tiểu thuyết và manga, họ thường mô tả các Ninja là các đối thủ lẫn nhau nhưng thực tế các Ninja là “bạn hữu” và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, các băng nhóm Ninja còn có mối quan hệ hôn ước nên thường xuyên trao đổi thông tin. Năm 1579, Nobuyuki, con trai của Oda Nobunaga, tấn công tỉnh Iga trong "Chiến tranh Tensho Iga", và các Ninja đã chống lại bằng một cuộc tàn sát ban đêm và “hỏa thuật”. Tất nhiên, Ninja của làng Koka cũng chiến đấu trong trận chiến đó,” ông Yamada giải thích.

Năm 1982, Ieyasu Tokugawa, khi nhận được cấp báo về "Sự kiện Honnoji" ở Sakai, nhờ sự bảo vệ bởi các Ninja của làng Iga và Koga, đã vượt qua vùng núi của Iga để trở về căn cứ địa của mình một cách an toàn. Do đó, Ieyasu đánh giá cao công việc của Ninja và tiếp tục kêu gọi họ bảo vệ lâu đài Edo. Từ đó, các daimyo khác cũng thuê Ninja làm vệ sĩ. Đó là lý do tại sao nhiều địa danh liên quan đến Iga và Koka vẫn còn ở nhiều vùng khác nhau của Nhật Bản.

Ninja không tham gia chiến đấu

Buổi sáng, các Ninja ở Iga và Koga tham gia vào các công việc của gia đình như làm nông. Đến trưa họ tập trung lại và tập luyện để thực hiện nhiệm vụ của mình." (Giáo sư Yamada)

Nhiệm vụ lớn nhất của Ninja là thu thập thông tin về kẻ thù và thông báo cho lãnh chúa. Để làm được điều đó, họ phải tránh chiến đấu hết sức có thể và sống sót và quay trở lại. Trong huấn luyện hàng ngày, các Ninja tập trung vào kỹ thuật để nâng cao sức mạnh phòng thủ để thoát khỏi kẻ thù, chứ không phải sức mạnh tấn công để đánh bại kẻ thù.

Ngoài việc cải thiện sức mạnh cơ bắp và sức bền, họ tập trung trau dồi cách thức sử dụng cơ thể và cách thở để tối đa hóa khả năng vận động. Đối với những Ninja thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm, họ phải trang bị cả một tinh thần sắt đá. Phải rèn luyện làm sao để có được một sức mạnh tinh thần linh hoạt đáp ứng với mọi hoàn cảnh, và không xoay chuyển trong bất kỳ tình huống nào.

Người ta nói rằng các “nhẫn thuật” mà Ninja đạt được là do bởi sự khéo léo và sự tìm tòi khoa học. Trong khi thành thạo các kỹ năng của mình, họ đã thu thập được nhiều thông tin và thu thập được nhiều bí quyết. Có thể nói đó còn là những kỹ thuật sinh tồn. Nhiều người trong số họ dùng “điểm mù” bằng cách sử dụng tâm lý con người một cách khéo léo. Thuật ẩn hình là một bí quyết biến mất khỏi tầm nhìn của người khác bằng cách dùng hành động để xuyên thủng điểm mù tâm lý như thế.

Các Ninja ở Iga và Koka có rất nhiều kiến ​​thức về thuốc súng và y học. Vì ở gần Kyoto nên họ có thể dễ dàng tiếp thu kiến ​​thức về súng. Họ thực sự rất nhiệt tình trong việc học hỏi, chẳng hạn như điều tra. Họ lặp lại thí nghiệm nhiều lần, biết rằng các công thức và vật liệu nổ khác nhau có tác dụng khác nhau.” (giáo sư Yamada)

Tinh thần Ninja trong thời đại hiện nay

Sứ mệnh của Ninja là lấy được thông tin để truyền tải thông tin cho thân chủ của mình. Do đó, họ phải học cách để tồn tại và sống sót trước mọi nghịch cảnh. Đó không phải là những siêu anh hùng, có những năng lực bẩm sinh mà là những chiến binh không ngừng học hỏi và vươn lên. Trong một thế giới vật chất được trang bị đầy đủ và sẵn có như ngày nay, tìm hiểu về Ninja, hiểu về sự nỗ lực rèn luyện, tinh thần bền bỉ của họ cũng là một cách thức để người hiện đại nên học hỏi. 

Ánh Hiền tổng hợp theo tạp chí Nippon

Viết cho Gbni: https://www.gbni.co.jp/recipe/ninja-ro%cc%82t-cuo%cc%a3%cc%82c-la-ngu%cc%9bo%cc%9bi-the%cc%82-nao-tim-hie%cc%82%cc%89u-ve%cc%82-nhie%cc%a3%cc%82m-vu%cc%a3-va-su%cc%9b-me%cc%a3/?fbclid=IwAR1wwk0-tVabHrAe5zNdHjA1jtd0wg1vjqdsTZX8V5xHnLm78Fy0MZjC-tE





Tại sao người Nhật lại có phong tục ngắm hoa dưới tán cây anh đào? Tìm hiểu câu chuyện sâu sắc về hoa anh đào và văn hóa Nhật Bản

Vào thế kỷ thứ 10 thời Bình An, Pháp sư Soukei, khi chứng kiến những cánh đào mỏng manh rơi xuống bởi cơn gió, ông đã tiếc thương và thốt lên rằng:

“Có ai chỉ hộ ta

Ngọn gió cuốn anh đào

Đang trọ ở đâu không?

Ta muốn đến tận nơi

Để tỏ lòng oán hận.” (Nguyễn Nam Trân dịch)

Có rất nhiều bài thơ waka nói về tình yêu đối với hoa anh đào trong thời Heian. Từ cuối thời Heian đến thời Kamakura, hễ tứ thơ nào nói về hoa, đa số đều nhắc đến hoa anh đào. Có thể thấy rằng hoa anh đào là loài hoa đại diện áp đảo của các loài hoa trong thời kỳ này. Cuốn Đồ nhiên thảo (徒然草) - tập hợp các bài tiểu luận được viết bởi nhà sư Nhật Bản Yoshida Kenkō trong khoảng thời gian từ 1330 đến 1332, mô tả rằng, mỗi khi ngắm hoa, giới quý tộc thưởng đọc thơ, thưởng trà trong không khí thanh nhà; trong khi đó thì những người nông thôn mới đến chốn kinh kì thì uống trà, trò chuyện ồn ào khi ngắm hoa. 

Văn hóa ngắm hoa tùy theo giai cấp, mỗi thời mỗi khác. Với người Nhật hiện đại, mùa xuân cũng là mùa khởi đầu mới, mùa nhập học, mùa nhập vào công ty. Những bông hoa anh đào đã tô màu cho những khởi đầu rực rỡ ấy, cảnh tượng đó có lẽ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí nhiều người dân sống trên đất nước này. Để hiểu mối quan hệ sâu sắc giữa anh đào và người Nhật, trước hết chúng ta phải quay lại thời đại xa xưa.

Sakura là loài hoa được tôn thờ từ thời thần thoại

Trong “Cổ sự kí” và “Nhật Bản thư kí” đề cập đến mối quan hệ giữa hoa anh đào và người Nhật qua nữ thần Konohanasakuya-hime (木花開耶姫 (Mộc Hoa Khai Da Cơ)) - một nhân vật trong thần thoại Nhật Bản, nàng công chúa của hoa nở, vị thần tượng trưng cho những đóa hoa anh đào. Có giả thuyết cho rằng từ sakura (hoa anh đào) xuất phát từ "Sakuya" trong cái tên Konohanasakuya. Trong dân gian, lại có giả thuyết cho rằng "Sa", có nghĩa là thần của cánh đồng lúa, và "Kura", nghĩa là ngai vàng của Thần, kết hợp lại tạo thành "Sakura". Nhật Bản thời xa xưa, người dân sống bằng nghề nông. Họ tin rằng, vị thần của những cánh đồng lúa ngự trong những bông hoa anh đào nở rộ đó, nên Sakura là loài hoa được tôn thờ như một sự biết ơn vị thần đã trông coi mùa màng. 

Thời kì Nara, hoa anh đào có vị thế thấp hơn hoa mận

Trong thời kỳ Nara, thời kì ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa, những đóa mận thơm và đầy màu sắc mà những người quý tộc đã đem về từ Trung Quốc chiếm được trái tim của người quý tộc hơn hoa anh đào. Có thể thấy rõ điều này qua số lượng bài hát được viết trong "Vạn Diệp Tập" , trong đó chỉ có 43 bài thơ viết về hoa anh đào nhưng số bài thơ về mận lại chiếm đến 110 bài. 

Tuy nhiên, đối với những người dân thường sống và tôn thờ thiên nhiên, hoa anh đào nơi thần đồng lúa ngự, là loài hoa họ biết ơn, có vẻ như không có gì có thể thay thế được. Bước vào thời Bình An, khi Heiankyo (tên gọi cũ của Kyoto) được chọn làm kinh đô, văn hóa quốc gia bắt đầu phát triển phong phú. Kể từ thời Thiên hoàng Nhân Minh (仁明天皇), hoa mận được trồng thay thế thành hoa anh đào trong cung điện, từ đó lan truyền đến giới quý tộc. 

Thời điểm ngắm hoa anh đào sớm nhất trong văn học được cho là vào năm 831 qua sự kiện “anh yến (花宴 - tiệc ngắm hoa) được tổ chức bởi Hoàng đế Saga tại Vườn Shinsen-en, và kể từ đó nó trở thành một sự kiện thường xuyên trong cung điện. Thậm chí, sự kiện này cũng được mô tả trong phần viết về “anh yến” trong "Genji Monogatari".

Sự kiện ngắm hoa anh đào quy mô lớn do Hideyoshi tổ chức

Tuy nhiên, mãi cho đến thời Edo, hoa anh đào mới trở thành “quốc hoa” trong tâm trí người Nhật. Trong thời này, tại đền Kaneiji - ngôi đền do tướng quân Tokugawa Iemitsu xây dựng, một số lượng lớn cây anh đào hoang dã ở Yoshino đã được ghép cành, từ đó xuất hiện dãy cây hoa anh đào đầu tiên ở Edo. Sau đó, vị tướng quân Mạc Phủ Yoshimune thứ 8 đã tạo ra các điểm ngắm hoa anh đào để người dân Edo có thể thưởng lãm. 

Sau đó, vào thời Azuchi-Momoyama, một lễ hội ngắm hoa anh đào quy mô lớn có tên gọi “Yoshino-no-hanami, 吉野の花見” lần đầu tiên được tổ chức bởi Toyotomi Hideyoshi. Sự kiện được tổ chức trong năm ngày, mời 5.000 trong đó có các nhân vật ảnh hưởng như Ieyasu Tokugawa, Toshiie Maeda và Date Masamune đến núi Yoshino - nơi trồng 1000 cây anh đào được lai ghép từ Osaka - tham dự. Vào năm 1598, lễ hội ngắm hoa " Daigo no Hanami " lớn thứ 2 được tổ chức tại chùa Daigo-ji, nơi có đến 700 cây anh đào được lai ghép với khoảng 1300 người tham dự.

Dù chỉ có thể ngắm vào mùa xuân nhưng hoa anh đào lại có ý nghĩa vô cùng lớn đối với người Nhật bởi sakura gợi lên những ký ức đã gắn bó với cuộc sống của con người Nhật. Đó là lý do tại sao mỗi khi mùa xuân về, người Nhật luôn nô nức chờ đợi.

Ánh Hiền

Viết cho: https://www.gbni.co.jp/recipe/ta%CC%A3i-sao-ngu%CC%9Bo%CC%9Bi-nha%CC%A3%CC%82t-la%CC%A3i-co-phong-tuc-nga%CC%86m-hoa-du%CC%9Bo%CC%9Bi-tan-ca%CC%82y-anh-dao-tim-hie%CC%82%CC%89u-ca%CC%82u/


Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

 Nhiều người thường nghĩ người Nhật không theo tôn giáo? Thực tế thì như thế nào?

Năm 1996, học giả tôn giáo Ama Toshimaro đã xuất bản một cuốn sách có tên gọi "Tại sao người Nhật không theo tôn giáo". Khi dịch sang tiếng Anh và tiếng Hàn đã thu hút rất nhiều chú ý từ trong và ngoài nước. Theo ông Ama, người Nhật được cho là không tôn giáo, nhưng đó có thể là do họ được so sánh với “tôn giáo giáo phái (創唱宗教)”. Tôn giáo giáo phái là khái niệm chỉ một tôn giáo có một giáo tổ cụ thể và giáo lý rõ ràng. Cơ đốc giáo có Chúa Giê-xu Christ, Phật giáo có Phật Gotama, và đạo Hồi có Muhammad. Mặt khác, Ấn Độ giáo và Thần đạo thì không có giáo tổ cụ thể nào. Hơn nữa, tín ngưỡng dân gian cũng không có giáo tổ cụ thể, được thực hành một cách tự nhiên bởi những người vô danh.

Dù vậy, tôn giáo Nhật Bản bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tôn giáo giáo phái. Phật giáo, du nhập vào thế kỷ thứ 6, là tôn giáo có ảnh hưởng nhất cho đến giữa thế kỷ 19. Nhiều người Nhật vẫn tổ chức tang lễ theo phong cách Phật giáo hoặc làm quen với các bức tượng Phật giáo, và một số người có thể phân biệt giữa Phật A Di Đà, Bồ tát quan âm và Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Việc người dân đến viếng mộ hàng năm, chắp tay trước mộ là một cách biểu hiện thờ Phật.

Từ nửa sau của thế kỷ 19, tôn giáo Nhật chịu nhiều ảnh hưởng bởi Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, mặc dù ảnh hưởng văn hóa của Cơ đốc giáo thông qua trường học và học thuật là lớn, Cơ đốc giáo với tư cách là một nhóm tôn giáo chỉ chiếm khoảng 1% tổng dân số Nhật Bản. Cho đến giữa thế kỷ 19, Thần đạo hoàn toàn không thể tách rời khỏi Phật giáo, và bị ảnh hưởng rất lớn bởi Phật giáo.

Niềm tin của người Nhật dựa trên tôn giáo tự nhiên

Tuy nhiên, mặc dù ảnh hưởng của tôn giáo giáo phái có thể tồn tại ở một mức độ nào đó như đã đề cập ở trên, ông Ama nói rằng cơ sở của tín ngưỡng Nhật Bản nói chung là tôn giáo tự nhiên. Người ta thờ thần đất và thần nhà, nhưng giáo lý thường kém phát triển. Thần đạo theo nghĩa rộng được xem là không phải là tôn giáo hoặc chỉ là tín ngưỡng dân gian. Vì vậy, khi gặp một tôn giáo giáo phái mạnh, nhiều người Nhật nghĩ rằng họ không quen thuộc với tôn giáo giáo phái. Đó là lý do tại sao nhiều người Nhật tự cho mình là “vô tôn giáo” với nghĩa là họ không tin vào “tôn giáo” (tôn giáo giáo phái) theo nghĩa hẹp.

Ngoài ra, ông Ama giải thích sự tồn tại của "tôn giáo tự nhiên", không phải lúc nào cũng là tôn giáo lỗi thời. Cũng có ý kiến ​​cho rằng bản thân tôn giáo tự nhiên đã là một tôn giáo từ thời người nguyên thủy, và đó là tôn giáo giáo phái ra đời vào giai đoạn xã hội đã phát triển và có trí tuệ siêu phàm hơn tôn giáo giáo phái. Có thể nói Thần đạo của Nhật Bản là một tôn giáo gần với tôn giáo tự nhiên. Ở Nhật Bản, tôn giáo tự nhiên là tôn giáo có trước khi Phật giáo ra đời.

Nho giáo là "một loại tôn giáo"

Từ một góc độ khác, có thể lưu ý rằng ngay cả những người Nhật Bản không quen với "tôn giáo" bản thân họ cũng đã quen với "một cái gì đó giống như tôn giáo" theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như là Nho giáo. Người Nhật coi trọng rất lễ nghĩa. Người Nhật cúi chào mọi người, được cho là phần lớn chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Ngoài ra, người Nhật cũng rất chú trọng sử dụng kính ngữ. Ngay cả ở học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên đại học, cách nói dành cho đàn anh và cách nói dành cho đàn em cũng rất khác nhau, vì họ coi trọng việc “trật tự của thứ bậc và tuổi tác”. Việc coi trọng lòng biết ơn đối với người đã khuất cũng là một đặc điểm của Nho giáo. Ông cho rằng, ma chay và viếng mộ là một phần của Phật giáo, nhưng thực tế có thể nói bị ảnh hưởng của Nho giáo. Nho giáo có phải là “đạo” hay không phụ thuộc vào việc nó được định nghĩa như thế nào là “đạo”, và còn tùy thuộc vào việc coi trọng “sinh mệnh” của “trời”, sự liên tục của đời sống được truyền từ tổ tiên cho con cháu, và lễ nghi như thế nào. Ở Đông Á, từ "đạo" được xem như là một từ để chỉ "tôn giáo" (từ có nguồn gốc từ phương Tây). Đối với người Nhật trong thế kỷ 17 và 18, cả Phật giáo và Nho giáo đều dạy con người về “đạo”.

"Thần đạo quốc gia" lan truyền ở trường học

Có thể nói rằng rất nhiều "tôn giáo" ảnh hưởng đối với người Nhật. Ảnh hưởng nhất trong số đó có lẽ là "Thần đạo quốc gia." Cho đến năm 1945, các trường học Nhật Bản rất coi trọng "sắc ngữ giáo dục (教育勅語)" được chính quyền Minh Trị ban hành. Đó là lời dạy thiêng liêng được truyền cho người dân vào năm 1890 bởi Hoàng đế Minh Trị lúc bấy giờ về tinh thần cơ bản của giáo dục. Sau đó, trường tiểu học trở thành nơi được hướng dẫn bởi những lời dạy thiêng liêng của Thiên hoàng. Từ đó, nhiều người Nhật đã quen với việc thờ cúng thần thoại. Anh tôn thờ Ise Jingu và Hoàng cung, đến thăm đền Yasukuni và Meiji Jingu. Đó được gọi là Thần đạo quốc gia. Mặc dù hiện nay, chủ trương “thần đạo quốc gia” đã không còn, nhưng ảnh hưởng của nó đến suy nghĩ của người Nhật vẫn còn. Vì vậy, rất khó để nhận thức rằng đó là một "tôn giáo" cụ thể theo nghĩa thông thường..

Quan điểm tôn giáo của người Nhật hiện đại 

Trong những năm gần đây, từ samurai trở nên phổ biến hơn với thế giới, một phần do ảnh hưởng của bộ phim "Last Samurai" được ra mắt năm 2003 của Mỹ. Samurai chỉ một thế giới, nơi bạn chiến đấu cho cuộc sống của mình và sống mỗi ngày với quyết tâm rằng bạn có thể từ bỏ mạng sống của mình cho người chủ của mình. Một nhận thức thường xuyên suốt về cái chết là một yếu tố quan trọng. Mọi người bị cuốn hút mạnh mẽ vào hệ tư tưởng như vậy. Họ tìm kiếm manh mối về những gì họ đang sống, có vẻ như họ cảm thấy rằng có một chút gợi ý về lý tưởng, hành động của samurai. Theo cách này, có rất nhiều người Nhật Bản cảm thấy xa cách với tôn giáo, nhưng thực chất họ đã tham gia theo nhiều cách khác nhau với cái được gọi là "đạo".

Tại sao nhiều người thường nghĩ người Nhật không theo tôn giáo? Lý giải cho câu trả lời này còn tùy thuộc vào một câu hỏi khác, thực tế thì thế nào được gọi là “tôn giáo”.


Ánh Hiền tổng hợp theo bài viết của giáo sư Thần học Shimazono Susumu đăng tải trên tạp chí Nippon


Nguồn: https://www.gbni.co.jp/recipe/nhieu-nguoi-thuong-nghi-nguoi-nhat-khong-theo-ton-giao-thuc-te-thi-nhu-the-nao/?fbclid=IwAR1WM5xTYRz2MGwqhte_isqY-CvVAUlhlwAN-Q1tvECXsbLwcOiKycL-gP0


Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Python là gì, tại sao nên học Python?

 

Python là gì, tại sao nên học Python?

Bạn đang phân vân nên chọn ngôn ngữ lập trình nào để học? Bạn quan tâm đến AI và muốn học thêm lập trình để theo đuổi con đường đó. Dưới đây là bài viết phân tích tại sao Python là ngôn ngữ lập trình bạn nên lựa chọn để theo đuổi hay phát triển sự nghiệp của mình.

Python là gì?

Image for post

Python là ngôn ngữ lập trình mã nguồn m được phát triển vào năm 1991 bởi một lập trình viên người Hà Lan, Guido Van Rossum.Nhiều giả thuyết cho rằng, chương trình hài kịch BBC “Flying Monty Python” là nguồn gốc của cái tên Python. Nói đến Python nhiều người thường nghĩ ngay đến lĩnh vực phát triển nhúng, ứng dụng Web, ứng dụng máy tính để bàn, phát triển trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn.

Lý do tại sao nên học Python?

1. Là ngôn ngữ lập trình dễ viết

Python là là ngôn ngữ lập trình thường được khuyến khích cho những ai mới bắt đầu học, đây là ngôn ngữ được tạo ra để làm cho mã dễ viết và đọc hơn, do đó bất kỳ ai cũng có thể viết mã tương tự. Do đó, ngay cả những người mới bắt đầu cũng có thể viết mã tương tự như một lập trình viên chuyên nghiệp hàng đầu.

Ngoài ra, Python có hàng chục ngàn “thư viện”, là tập hợp các chương trình hữu ích cho việc phát triển. Bằng cách sử dụng hiệu quả các thư viện hiện có này, bạn có thể dễ dàng tạo chương trình bạn muốn tạo.

2. Ngôn ngữ được yêu thích thứ 2 sau Java Script

Image for post
Biểu đồ thứ hạng của Python từ năm 2014 ~ 2019

Theo kết quả điều tra được thực hiện vào năm 2019 bởi mã nguồn mở GitHub dưới sự bảo trợ của Microsoft, Python đã vượt qua ngôn ngữ Java — ngôn ngữ phổ biến một thời — để giành vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng các ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất. Đây là lần đầu tiên, Python đã vượt qua Java để trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ hai bởi những người đóng góp repository trên GitHub.

3. Ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong lãnh vực AI và Machine Learning

Image for post

Những năm gần đây, AI và Machine Learning là hai xu hướng công nghệ bùng nổ trong lãnh vực IT. Và Python là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực phát triển phần mềm với trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là phần mềm sử dụng “máy học (Machine Learning)”. Một ưu điểm vượt trội của Python là chuyên xử lý thống kê và tính toán số. Những đặc điểm này là một trong những lý do tại sao Python thường được sử dụng cho Machine Learning, học sâu và thậm chí phân tích dữ liệu. Cụ thể, TensorFlow, một platform nổi tiếng về Machine Learning, là một nền tảng được phát triển bởi Python.

4. Ngôn ngữ chuyên dùng để xử lí nguồn dữ liệu lớn

Để hiểu hơn về lí do này, trước hết xin giới thiệu hai ứng dụng phổ biến đã sử dụng Python như sau.

Youtube

Image for post

YouTube được thành lập năm 2005, và hiện là trang chia sẻ video số một trên thế giới. Để xử lý khối lượng lớn video liên tục được tải lên với con số khủng như thế, Youtube phải cần đến ngôn ngữ Python để củng cố nền tảng. Python chủ yếu được sử dụng để xử lý máy chủ trên YouTube và đang được áp dụng cho các ứng dụng web khác có liên quan đến Google.

Instagram

Image for post

Instagram, trang chia sẻ ảnh được nhiều người yêu thích với hơn 1 tỷ người dùng, là một ứng dụng web được xây dựng bằng framework Django của Python. Để xử lý được số lượng người dùng khổng lồ như hiện nay, Python được cho là ngôn ngữ xử lí dữ liệu rất hiệu quả và linh hoạt.

Dropbox

Image for post

Được thành lập vào năm 2007, Dropbox là một dịch vụ lưu trữ trực tuyến có thể truy cập từ mọi môi trường. Tất cả 930.000 dòng mã khổng lồ của Dropbox được viết bằng Python, giúp dễ sử dụng, bất kể hệ điều hành nào.

5. Có thể phát triển ứng dụng trò chơi

Ngoài việc phát triển nhúng, ứng dụng Web, ứng dụng máy tính để bàn, phát triển trí tuệ nhân tạo, Python còn là ngôn ngữ lập trình để tạo chương trình cho các lĩnh vực khác nhau như trò chơi, ứng dụng nhúng và ứng dụng máy tính để bàn. Python có một số lượng lớn các thư viện và được phát triển rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực.

Kết luận

Như các nội dung đã giới thiệu trên đây, Python được sử dụng trong nhiều phát triển ứng dụng trên khắp thế giới vì khả năng ghi mã, tính linh hoạt và bảo mật của nó. Python không chỉ là lựa chọn hàng đầu cho các lập trình viên, hiện nay ngày càng có nhiều nhà phát triển sử dụng Python để mở rộng cơ hội kinh doanh của họ.

Ánh Hiền