Vào ngày 6 tháng 1, tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, những người ủng hộ Tổng Thống Trump đã bao vây Tòa nhà Quốc hội, và một số người biểu tình đã vượt qua hàng rào cảnh sát và xâm nhập vào bên trong tòa nhà, chiếm địa điểm đang chuẩn bị cho lễ nhậm chức tổng thống vào ngày 20. Cuộc biểu tình nổ ra vào thời điểm Quốc hội Mỹ đang tổ chức một cuộc họp như là một thủ tục cuối cùng để hoàn thiện kết quả của các lá phiếu đại cử tri do mỗi bang gửi đến và tuyên bố người chiến thắng. Đây là lần thứ 2 tòa nhà Quốc hội Liên bang bị tấn công kể từ lần tấn công thứ nhất vào năm 1814 khi quân đội Anh phóng hỏa trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Anh.
Ông Trump, người từng uyên bố rằng có "sự gian lận" trong cuộc bầu cử tổng thống đã phát biểu hùng hồn tại quảng trường phía nam Nhà Trắng vào buổi trưa cùng ngày, "Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Chúng ta sẽ không bao giờ thừa nhận thất bại".
Những người ủng hộ Tổng thống Trump cố gắng đột nhập vào Tòa nhà Capitol Liên bang ở Washington, DC vào ngày 6 = AP
Trong bốn năm nhiệm kì của Trump, trật tự thế giới bị chao đảo. Tuyên bố "Nước Mỹ trên hết" tại Đại hội đồng LHQ, phủ nhận chủ nghĩa đa phương và lần lượt rút khỏi khuôn khổ quốc tế. Chính Trump đã phá hủy trật tự với tư cách là một nhà lãnh đạo của một cường quốc hàng đầu trong thế giới tự do.
Do đó, khi tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ được xác nhận là Joe Biden, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tỏ vẻ xúc động. Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron là những người đầu tiên gọi điện cho cho Biden để chúc mừng. Ngoại trưởng Đức Mars cảm thấy nhẹ nhõm với hy vọng, chiến thắng của Biden “sẽ đưa quan hệ Đại Tây Dương trở lại bình thường". Thực tế, có rất ít người Đức ủng hộ Trump. Theo một cuộc khảo sát về thái độ, 37% người Đức trả lời rằng "Tổng thống Trump là" ác "đối với nước Đức" và 45% người Đức trả lời "khá xấu xa". Nếu ông Trump trở thành ứng viên bầu cử nguyên thủ quốc gia ở Đức, ông ấy chắc chắn sẽ thua. Trong khi đó, ông nội của Tổng thống Trump, Friedrich Trump, đến từ Đức, di cư sang Mỹ để trốn nghĩa vụ quân sự từ một ngôi làng nhỏ có tên là Karstadt ở bang Bavarian, miền nam nước Đức. Kết quả là Đức đã "sản sinh ra tổng thống Hoa Kỳ", nhưng người Đức lại cực kỳ ghét Tổng thống Trump.
Trump đã làm được gì trong 4 năm nhiệm kì của mình?
Nhìn từ góc độ những người ủng hộ Trump, có thể nói Trump là tổng thống giữ đều đặn lời hứa của mình sau khi đắc cử. Ngay sau lễ nhậm chức của chính quyền, ông tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác Vành đai Thái Bình Dương (TPP) , đồng thời rút khỏi Hiệp định Paris về ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định cắt giảm thuế lớn vào cuối năm. Xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico dù cho bắt gặp sự phản đối từ phía Quốc hội. Về đối ngoại, ông Trump đã khởi xướng một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc với lập trường cứng rắn. Vào tháng 3 năm nay, Trump tuyên bố áp đặt mức thuế cao đối với các sản phẩm của Trung Quốc, và vào tháng 4, quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Khoảng một phần tư thế kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ là nước dẫn dắt trật tự thế giới. Hoa Kỳ không chỉ là một siêu cường kinh tế và quân sự, mà còn là quốc gia ủng hộ các ý tưởng về "tự do", "dân chủ", "nhân quyền" và "thương mại tự do" ra thế giới. Tuy nhiên, chính quyền Trump trong 4 năm qua đã làm lung lay đáng kể khuôn khổ này. Trong mắt châu Âu, với 4 năm của chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã từ bỏ vai trò của một cường quốc và chạy theo lợi nhuận trước mắt. Trump chạy theo chủ nghĩa dân tuý, hiện thân như là một nỗi ám ảnh phá hủy các giá trị dân chủ mà Mỹ và thế giới đã và đang hướng đến.
Nếu vậy, có nghĩa là những người Mỹ ủng hộ Trump nên nhìn nhận lại ánh nhìn của thế giới đối với vị tổng thống của họ một lần nữa. Thực tế Trump vẫn đang dành được ủng hộ gần một nửa dân số Mỹ trong cuộc bầu cử 2020, tức hơn 70 triệu người, cao hơn so với năm 2016. Kết quả cuộc bầu cử 2020 phản ánh sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong xã hội Mỹ do sự khác biệt về chủng tộc, thu nhập và tôn giáo". Ngay cả khi thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020, "chủ nghĩa Trump" vẫn còn tồn tại.
Tại sao Trump thua trong cuộc bầu cử tổng thống 2020?
Tại Hoa Kỳ, xu hướng ủng hộ đảng chính trị khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, nền tảng học vấn và nơi cư trú. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, Trump đã giành chiến thắng với sự ủng hộ của 58% người da trắng. Sự ủng hộ của ông Trump được đặc trưng bởi sự ủng hộ cao giữa những người da trắng chưa tốt nghiệp đại học và cư dân địa phương. Về nơi cư trú, đảng Cộng Hoà chiếm ưu thế ở nông thôn và Đảng Dân Chủ chiếm ưu thế ở thành thị , và lá phiếu ở giữa "vùng ngoại ô" quyết định cuộc bầu cử.
Vấn để nổi bật đáng chú ý hàng đầu trong cuộc bầu cử 2020 là các biện pháp đối phó với đại dịch Corona. Tính đến ngày bỏ phiếu, số người chết do virus Corona là hơn 230.000 người, cao nhất trên thế giới. Về mặt chính sách, ông Biden là hướng tới các biện pháp chống lại đại dịch Corona; trong khi đó ông Trump lại chọn các biện pháp kinh tế. Với câu hỏi “vấn đề quan trọng nhất mà Hoa Kỳ phải đối mặt là gì" do AP đưa ra, 41% người đã chọn vấn đề là "biện pháp đối phó với đại dịch Corona" , 73% trong số đó ủng hộ ông Biden. Trong khi đó, vấn đề quan trọng chiếm thứ 2 là "nền kinh tế và việc làm" (28%), và Trump chiến thắng áp đảo Biden với tỉ lệ bỏ phiếu là 81%.
Hình ảnh: Kết quả khảo sát của truyền thông AP
Tổng thống muốn tái tranh cử trong thời kỳ suy thoái, dù là Herbert Hoover (Tổng thống thứ 31 của Hoa Kỳ từ năm 1929 - 1933) hay Jimmy Carter (Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ từ năm 1977 -1981) , đều bị đánh bại. Hơn nữa, 230.000 người chết là con số nhiều gấp bốn lần số người chết trong Chiến tranh Việt Nam. Vậy thì, bản chất của cuộc bầu cử 2020, có thể nói là Trump đã thua hơn là ông Biden thắng. Tức, ông Biden, vốn là một ứng cử viên yếu, khả năng chiến thắng chỉ vì ông Trump "thua cuộc" trong bối cảnh lịch sử của đại dịch Corona chủng mới.
Sự kích động "nỗi sợ chủ nghĩa xã hội" của Trump gợi nhớ đến cơn lốc McCarthy
Theo kết quả khảo sát của viện Pew về kết quả chiến thắng của Trump vào năm 2016, các cử tri Da trắng có xu hướng ủng hộ khá nhất quán đối với các ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử tổng thống trong 40 năm qua, trong khi đó cử tri Da đen ủng hộ vững chắc các ứng cử viên Đảng Dân chủ. Các cử tri người Mỹ gốc Latinh và Tây Ban Nha trong lịch sử cũng có nhiều khả năng ủng hộ đảng Dân chủ hơn các ứng cử viên đảng Cộng hòa, mặc dù sự ủng hộ của họ không nhất quán như cử tri Da đen.
Nếu như lá phiếu của người da trắng là một trong những nhân tố chính quyết định thắng cử vào bầu tử năm 2016 thì theo một cuộc khảo sát mới đây của CNN, phiếu bầu của người Mỹ gốc Latinh và Tây Ban Nha đã được thêm vào cho ông Trump so với năm 2016. Trump nhận được 47% phiếu bầu của người Mỹ gốc Latinh và Tây Ban Nha. Thành công ở Florida của Trump, cao hơn vài điểm so với năm 2016, được củng cố bởi sự tiếp cận mạnh mẽ của Trump với thông điệp chống chủ nghĩa xã hội, thu hút những người Mỹ gốc Cuba thuộc đảng Cộng hòa lâu năm, những người nhập cư Venezuela gần đây và thậm chí cả người Puerto Rico. Theo ước tính, ông Trump cũng giành được khoảng 19% số phiếu bầu của các cử tri nam da đen.
Tại sao Trump lại có thể giành được trái tim của người Mỹ gốc Latinh và Tây Ban Nha , những người nhập cư da đen và người La tinh, bất chấp thái độ căm ghét mà ông thưởng biểu lộ đối với người nhập cư, sự thờ ơ của ông với người da đen và sự ủng hộ ngầm các các nhóm người da trắng? Trên thực tế, vào mùa hè 2020, tờ báo New York Times đã đưa tin rằng các nhóm thiểu số không phải người da trắng đang nghiêng về Trump. Với người da đen, những người có xu hướng bảo thủ về mặt xã hội hơn các thành viên theo đảng Dân chủ da trắng, họ tin rằng, "nếu Đảng Dân Chủ cấp tiến lên nắm quyền, bạo loạn sẽ gia tăng và luật pháp và trật tự sẽ không được duy trì." Và nỗi sợ "nếu Biden trở thành Tổng thống, nước Mỹ sẽ phát triển theo đường lối chủ nghĩa xã hội" đã trở thành một động cơ quyết định phiếu bầu của những người Mỹ gốc Latinh và Tây Ban Nha (đặc biệt là người Cuba) dành cho Trump.
Mục tiêu tranh cử Tổng thống của Donald Trump so với năm 2016, về cơ bản không có nhiều thay đổi đáng kể, vẫn ưu tiên “đặt nước Mỹ trên hết" và “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Sự vĩ đại có nghĩa là không còn phải lo lắng về sự phát triển thương mại của Trung Quốc, không còn miễn cưỡng trong việc vận động lực lượng quân đội Mỹ chống lại những kẻ khủng bố xấu xa và các quốc gia bất hảo, không còn do dự về việc trục xuất những người nhập cư không mong muốn và bất hợp pháp. Trong cuốn sách nổi tiếng của mình, nhà sử học Gary Gerstle nhận xét, Trump mang nhiều nét tương đồng với Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, chiến binh chống Cộng khét tiếng vào giữa thế kỷ XX. Khi bị thách thức về tính xác thực của các cáo buộc của mình, Trump, giống như McCarthy, có xu hướng thay đổi chủ đề và buộc tội người khác. Sự xuề xòa và thô tục của Trump cũng gợi lại phong cách của McCarthy. Việc Trump có mối quan hệ thân thiết kéo dài mười ba năm với Roy Cohn, cánh tay phải của McCarthy, cho thấy rằng sự giống nhau giữa Trump và McCarthy không phải là ngẫu nhiên.
Hình ảnh: Trump và Roy Cohn thời còn trẻ
Vào thập niên 50, ông McCarthy là một chính khách thu hút nhiều chú ý trên truyền thông Mỹ với lập trường chống Cộng quyết liệt. Mỗi khi ông phát biểu, xã hội Mỹ đều bị chấn động mạnh. Khi quan sát thời cuộc, McCarthy là người biết cách chớp được những trào lưu, vấn nạn đương thời, đồng thời thao túng các phương tiện thông tin đại chúng để tung ra một phần thông tin để gây bức xúc dư luận. McCarthy và các nhà hoạt động chống Cộng sản khác của ông, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Pat McCarran, cũng tin rằng người thiểu số phải biết vị trí của họ và cho phép những người Mỹ “thượng cấp” giám sát con đường hội nhập của họ vào xã hội Mỹ.
Bản thân ông Trump - vốn đã nổi tiếng trên chương trình truyền hình của Mỹ trước đó - cũng có những “thủ thuật chính trị” tương tự. Ông đã sử dụng Twitter như một vũ khí để thu hút sự chú ý của công chúng và mang lại vị thế xã hội của mình, thể hiện bằng những câu ngắn gọn, khéo léo giữa dối trá và sự thật, gây ra tranh cãi trong môi trường mà ông có thể tự mình gửi thông tin trong kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số. Hiện số người theo gõi ông Trump trên Twitter lên đến 88 triệu người.
Trong cuộc bầu cử tranh cử 2016, nhóm cốt lõi của những người ủng hộ Trump là chủng tộc người da trắng. Trump đã triển khai xuất sắc ngôn ngữ của chủ nghĩa dân tộc chủng tộc để tấn công không chỉ Obama mà cả người Mexico và người Hồi giáo. Mặc dù nhiều lần khẳng định rằng mình không phải là người phân biệt chủng tộc, nhưng Trump thích thú khi mở được chiếc hộp mà người Mỹ da trắng đã nhồi vào đó những nỗi căm phẫn về chủng tộc trong suốt thời kì lịch sử của Mỹ. Trump đã khởi động chiến dịch dân tộc chủ nghĩa chủng tộc của mình 5 năm trước đó, khi ông nhảy vào nhóm chống Obama. Tháng 3 năm 2011, Donald Trump đã kêu gọi Tổng thống Obama công bố giấy khai sinh trước công chúng Mỹ. Donald Trump từng nói: "Thật không thể tưởng tượng nổi là sau bốn năm đặt vấn đề mà Tổng thống vẫn chưa thể có nổi tờ giấy khai sinh của mình. Trump đã nắm bắt nhanh chóng vấn đề tội danh giả sinh ra nước ngoài của Obama, gây ra nhiều bất an cho Obama và khiến quân đoàn người Mỹ quyết tâm tìm cách loại khỏi Nhà Trắng người đàn ông đã vượt quá giới hạn chủng tộc của mình sau đó. Và Trump cũng nắm được, người Mỹ da trắng gốc bản địa đã khó chịu như thế nào về “cuộc xâm lược của Mexico”, đó là lý do tại sao ông đưa nó thành vấn đề then chốt trong chữ ký trong chiến dịch năm 2016 của mình.
Giống như McCarthy hay Roy Cohn, Trump luôn nhắm tới mình là một chính khách mạnh mẽ, luôn ở trên “hàng công” so với các đối thủ. Trong suốt nhiệm kì của mình, ông Trump xác định Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh" bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt và thuế hải quan, và kể từ khi sự lây lan của virus coronavirus mới , chính sách này càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong bài phát biểu của mình, ông kêu gọi, "không có tổng thống nào có lập trường đối với Trung Quốc mạnh mẽ hơn ông ấy", đồng thời chê bai sự già nua và chỉ trích sự yếu kém của Biden.
Dù cho Biden có thắng cuộc, chủ nghĩa Trump vẫn còn tồn tại
Không thể bỏ qua những cư xử điên rồ, các bê bối của Trump gây ra trong suốt nhiệm kì của mình. Tuy nhiên, qua kết quả bầu cử năm 2020, có một thực tế cần thừa nhận rằng, dù bị truyền thống trong và ngoài nước chỉ trích và lên án dữ hội, sự ủng hộ của Trump dành cho vẫn không giảm đi đáng kể. Gần một nửa dân số của Mỹ ủng hộ Trump vẫn nhắm mắt cho các bê bối của Trump, thậm chí là dang tay chào đón. Hay nói một cách khác, dù cho Biden có thắng cuộc, "Chủ nghĩa Trump" vẫn sẽ tồn tại.
Ông Biden sẽ sửa đổi các chính sách của Trump trong khi đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan của chính quyền. Chính quyền Biden chủ trương sẽ không áp dụng các chính sách cực đoan như trừng phạt và thuế quan như ông Trump khi đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, mối lo ngại về sự đe dọa của Trung Quốc đang ngày càng cao ở hai đảng, nên việc tiến hành chính sách đối phó với Trung Quốc chắc chắn sẽ không phải là điều dễ dàng.
Cũng rất khó để quyết định tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mà chính quyền Trump đã để lại. Có sự phản đối mạnh mẽ từ bên trong Đảng Dân chủ, vốn chủ trương thu hút ủng hộ các cử tri ở Vành đai Rỉ sét" (Rust Belt), [thuật ngữ được dùng để chỉ các bang vùng Trung Tây Mỹ].
Một mặt, lại phải đối mặt với nhiều sức ép từ lực lượng cánh tả đang phát triển nhanh chóng trong đảng dân chủ (vì Biden vốn dĩ đại diện cho tầng lớp trung gian trong Đảng Dân Chủ). Lực lượng cánh tả này được cho là giống với những người ủng hộ nhiệt thành của ông Trump trong việc phủ nhận nền chính trị đã được thiết lập và chủ trương thúc đẩy quan điểm của mình. Do mong muốn có được sự hợp tác của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Biden đã rất thận trọng về việc bổ nhiệm nhân sự chính phủ của cánh tả, nhưng điều này có thể dẫn đến cuộc nổi dậy của cánh tả tại Hạ viện, vốn do Đảng Dân chủ thống trị. Có thể, các biện pháp đối phó đại dịch Corona có thể được cải thiện ở một mức độ nào đó khi thực hiện quyền của tổng thống, nhưng trong khi đảng Cộng Hoà lại chiếm số ghế đa số ở Thượng viện, các chính sách kinh tế sẽ bị hạn chế, khó có thể thực hiện được nếu không có sự chấp thuận của quốc hội.
"Tôi sẽ là tổng thống cho tất cả người Mỹ", ông Biden nói trong "Bài diễn văn chiến thắng", nhấn mạnh sự hòa giải trong nước giữa bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ, phân cực sâu sắc giữa hai chủ nghĩa dân tộc (chủ nghĩa dân tộc tự do (civic nationalism) và chủ nghĩa dân tộc chủng tộc (racial nationalism) ). Xung đột và chia rẽ dẫn đến hòa giải và thống nhất nền chính trị Hoa Kỳ, giấc mơ bất tận của Biden gợi nhớ đến giấc mơ tương tự của Obama. Tưởng chừng như khi nước Mỹ có được vị Tổng thống “da đen” lần đầu tiên, những xung đột về chủng tộc, xung đột về lợi ích sẽ được hoà giải. Trái lại, lại khiến đảng Cộng hòa trở nên cứng rắn hơn dẫn tới sản sinh một “chủ nghĩa Trump" ra đời và biến Hoa kỳ không còn là Hoa Kỳ như trước.
Ánh Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét