Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Ca phẫu thuật gây mê toàn thân đầu tiên trên thế giới là phẫu thuật cắt bỏ ung thư vú trong thời kỳ Edo

 

Ca phẫu thuật gây mê toàn thân đầu tiên trên thế giới là phẫu thuật cắt bỏ ung thư vú trong thời kỳ Edo

Vào thời đại Edo, khi dịch vụ chăm sóc y tế chưa phát triển tiên tiến như ngày nay, đã có một bác sĩ người Nhật tiến hành ca phẫu thuật ung thư vú bằng cách gây mê toàn thân đầu tiên trên thế giới khiến nhiều người kinh ngạc. Vị bác sĩ này là ai? Cùng mình tìm hiểu nhé.

Tiểu sử về Hanaoka Seishu

Vị bác sĩ làm nên lịch sử này là Hanaoka Seishu (華岡 青洲), sinh ngày 30 tháng 11 năm 1760, mất vào ngày 21 tháng 11 năm 1835 trong một gia đình có truyền thống làm nghề bác sĩ. Với khát khao chữa bệnh cho người khác từ khi còn nhỏ, lớn lên Seishu theo học ngành y học Trung Quốc và phẫu thuật của Hà Lan tại Kyoto, nơi dịch vụ y tế đang phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình học và hành nghề, Seishu nhận thấy giới hạn của việc chăm sóc y tế châu Âu trong giai đoạn này là không có thuốc gây mê, đặc biệt khi đọc được mô tả về loại thuốc gây mê “Ma phi tán (麻沸散)” trong sách y khoa, đã mạnh mẽ thúc giục ông bắt đầu nghiên cứu sự phát triển của thuốc gây mê cho riêng mình.




Ca phẫu thuật đi vào lịch sử

Bệnh nhân của ca phẫu thuật lịch sử là một phụ nữ 60 tuổi tên Aiyakan bị ung thư vú. Ở châu Âu, vào thời điểm này cũng có tiến hành phẫu thuật ung thư vú nhưng không dùng biện pháp gây mê. Ở Nhật Bản, trong giai đoạn này, phẫu thuật thì được xem là một biện pháp nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.Seishu đã tìm hiểu về các phương pháp điều trị của châu Âu và quyết định phẫu thuật ung thư vú ở Nhật Bản. Tuy nhiên, việc cắt bỏ toàn bộ khối ung thư cần phải cắt bỏ một lượng lớn vú, trong đó gây mê để giảm đau cho bệnh nhân là điều cần thiết. Vì vậy, ông đã sử dụng một loại thuốc gây mê tổng quát có tên là Thông tiên tán (通仙散) do mình phát triển để phẫu thuật. Ca phẫu thuật sau đó thành công tốt đẹp làm rạng danh tên tuổi của Seishu và được lãnh chúa Tokugawa Harutomi ban cho một thanh kiếm.

Ảnh: loài hoa cà độc dược, một trong những thành phần được Seishu sử dụng để bào chế thuốc (wikipedia)

Dù ca mổ đã thành công tốt đẹp nhưng thật không may, bệnh nhân đã chết khoảng 4 tháng rưỡi sau đó. Về mặt y học, để xem xét tính hiệu quả của dược liệu, cần phải lặp lại thí nghiệm nhiều lần trên trên động vật và cuối cùng là thử nghiệm trên người. Có thông tin cho rằng mẹ và vợ của ông đã tình nguyện hợp tác. Tuy nhiên, người mẹ đã qua đời và người vợ thì bị mất thị lực.

Cuộc cách mạng mà Seishu đã mang lại trong điều trị ung thư vú

Sau khi thành công trong ca phẫu thuật ung thư vú đầu tiên, nhiều bệnh nhân ung thư vú từ khắp nơi trên toàn nước Nhật đã đến gặp Seishu. Theo một cuốn sổ tay ghi chép lại về bệnh nhân ung thư vú của Seishu, số ca mổ do ông thực hiện là 152 ca, trong đó có 33 ca được tiết lộ rõ ràng.

Thời gian sống thêm trung bình sau phẫu thuật là 2-3 năm (tối thiểu 8 ngày, tối đa 41 năm). Có thể nói rằng, vào thời điểm mà chưa có công nghệ xét nghiệm và kĩ thuật ngoại khoa chưa được tiên tiến như ngày nay, các cuộc phẫu thuật của Seishu thực hiện chắc chắn đã mang lại kết quả với mức độ nhất định và tạo ra một cuộc cách mạng trong việc điều trị ung thư vú ở Nhật Bản.

Trong khi vào năm 1846, thế giới mới công nhận nha sĩ người Mỹ, William Morton, là người thành công với phương pháp gây mê bằng đường hô hấp, được cho là khởi đầu của phương pháp gây mê hiện đại thì trước đó khoảng 42 năm trước đó, tại Nhật Bản, vào thời Edo, đã có một bác sĩ đã đi trước một bước trong lĩnh vực ngoại khoa.

Ánh Hiền

Nguồn: https://www.gbni.co.jp/recipe/ca-phau-thuat-gay-me-toan-than-dau-tien-tren-the-gioi-la-phau-thuat-cat-bo-ung-thu-vu-trong-thoi-ky-edo/?fbclid=IwAR00a8MiBR15AlIwKZNuSA7jFFWoQJ7Ohtcb5vNCX1Ny4Bw6fURfplDOmI4


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét